Nỗi khổ sống cạnh bệnh viện

12/08/2014 09:58 GMT+7

Người dân sống quanh Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bức xúc phản ánh tình trạng ô nhiễm phát từ hệ thống nước thải và khí lò đốt.

Người dân sống quanh Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bức xúc phản ánh tình trạng ô nhiễm phát từ hệ thống nước thải và khí lò đốt.

 Nỗi khổ sống cạnh bệnh viện
Người dân chỉ vị trí nước thải đen ngòm - Ảnh: T.Q.N

Theo các hộ dân sống xung quanh BV, họ đã phản ánh trực tiếp với lãnh đạo BV và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND từ nhiều năm trời nhưng không được giải quyết thấu đáo.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Can (ở tổ dân phố 2) bức xúc nói: “Mỗi lần đốt, khói tỏa về các nóc nhà, nhất là khi có gió nam thì khói hắt vào nhà dân, bay thấp là tà kéo theo mùi hôi khó chịu. Còn nước thải ra ruộng khiến bà con không sản xuất được, mất gần hết; mỗi khi xuống ruộng là y như rằng bị ngứa chân. Chúng tôi sống quanh BV hàng chục năm trời nhưng không hề có sự quan tâm về điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, phòng chống bệnh dịch”. Còn ông Lê Quan Trọng cho hay, vì ông làm nhiệm vụ thanh tra viên của tổ dân phố nên thường xuyên bị người dân kêu về chuyện ô nhiễm môi trường từ BV. Ngay gần nhà ông ở cũng có gia đình của một cán bộ BV, mỗi khi khói bay vào, ông chạy ra gọi là gia đình người cán bộ này lập tức đóng chặt cửa tránh khói.

Người dân ở đó ngày càng lo lắng hơn bởi con số người chết do bị ung thư và mắc các chứng bệnh chưa rõ nguyên nhân ngày càng tăng. Ông Can cho hay có trên 10 người trong tổ dân phố bị ung thư.

Được biết, đã có 1 số đoàn về kiểm tra mức độ ô nhiễm tại BV nhưng kết quả đều đạt. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con, họđã mời cán bộ kiểm tra về trong nhà ở, để chứng kiến lò đốt hoạt động nhiều lần và có cách nhìn, số liệu toàn cảnh, chính xác hơn nhưng không được đồng ý.

Làm việc với chúng tôi, GĐ BV Thái Văn Công lại cho rằng môi trường tại BV tốt. Được biết, lò đốt chất thải độc hại đang hoạt động của BV mới xây lắp và sử dụng từ năm 2009 (trước kia sử dụng lò đốt cũ), mỗi lần đốt 25-30 kg chất thải, 2 ngày đốt 1 lần. Ban đầu, ống khói chỉ cao 6 m, sau được nâng lên thành 11 m. Theo quy trình, mỗi lần đốt kéo dài khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ; trong đó, hơn 10 phút đầu xả khói đen đặc, sau đó ra khói trắng. Theo ông Công, việc xả khói đen trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng gì.

 Nỗi khổ sống cạnh bệnh viện 2
Luồng khói từ lò đốt bị thổi xuống hướng mặt đất

Khói đen là do lượng dầu đốt cháy ban đầu tỏa ra và khói đen hay khói trắng thì cũng từ chất thải độc hại ra cả. Chúng tôi đã trực tiếp quan sát lò đốt và đúng như người dân phản ánh, khi khói bốc lên có mùi hắc khó chịu, khó thở. Gió quật khói tỏa ra tứ tung chứ không theo hướng nhất định và nhiều lúc luồng khói bị đẩy cắm xiên xuống hướng mặt đất rồi bay là đà rất thấp.

Về nước thải, ông Công cho biết đã qua hệ thống xử lý, sau đó đổ ra cống thoát nước chung của thị trấn và đảm bảo không gây độc hại. Để xác thực, chúng tôi đến vị trí nước chảy từ cống đổ ra đồng như người dân phản ánh thì thấy cả vũng sình lầy đen ngòm, mùi thối bốc lên nồng nặc. Nước chảy ra là từ cống chung nên khó biết nguồn gốc; nó chỉ nằm gần (cách con đường nhỏ) và đúng hướng điểm thải của BV.

Tình trạng đó kéo dài trong hàng chục năm trời nên việc người dân phản ánh ô nhiễm hẳn là có cơ sở.

Trương Quang Nam

>> Dân lãnh đủ vì nước thải ô nhiễm của doanh nghiệp
>> Nước thải nhiều bệnh viện gây ô nhiễm môi trường
>> Ô nhiễm từ các cơ sở chế biến hải sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.