Nói “không” với đau cơ và đau toàn thân

31/05/2011 16:15 GMT+7

Đau cơ và đau toàn thân là một biểu hiện rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Không chỉ do vận động quá sức mà những thói quen xấu trong các hoạt động học tập, làm việc, nghỉ ngơi cũng góp phần tạo nên cơn đau.

Theo thống kê, hiện nay có hơn 3/4 người bị đau cơ và đau toàn thân chưa tìm được cho mình những giải pháp phù hợp.

Những thói quen gây đau cơ

Mang vác nặng: Việc đeo túi xách quá nặng hay mang vác đồ đạc nghiêng hẳn một bên thường gây ra chứng đau cơ ở các vị trí như vai, hông, lưng... Nguyên nhân là do các cơ tại những vị trí này phải căng ra quá sức để người mang vác có thể giữ thăng bằng. Khi phải mang vác nặng, cần chú ý chia đều lực để các cơ không làm việc quá sức. Thay vì dùng túi xách nặng mang một bên có thể thay bằng ba lô đeo hai bên vai. Khi khuân vác nặng nên chọn vị trí cân bằng của vật và chỉ thực hiện trong thời gian ngắn.

 

Ở một tư thế quá lâu: Ngồi trước máy tính, xem ti vi quá lâu ở một tư thế cũng thường gây co thắt cơ, thoái hóa khớp (cột sống…) và một số vấn đề khác. Những cơn đau thường xuất hiện ở gáy, thắt lưng và cổ. Do tập trung vào làm việc hoặc xem chương trình truyền hình yêu thích nên người bị đau thường không chú ý tư thế của mình khiến cơn đau xuất hiện và “ở lì” trên cơ thể, gây hậu quả về sau.

Đi giày cao gót nhiều: Giày cao gót là sản phẩm tạo dáng đẹp cho phụ nữ nhưng cũng là một trong những tác nhân gây ra những cơn đau lưng, đau cột sống phổ biến. Việc đi những đôi giày cao 5, 6 phân trong thời gian dài khó tránh các cơn đau tác động lên các vị trí trên. Vì thế, khi chọn giày, lưu ý chọn những loại có đế mềm mại, ôm và nâng đỡ được cho đôi chân.

Làm thế nào để “cắt đứt” cơn đau cơ?

Không nên cố chịu đựng những cơn đau cơ và đau toàn thân dai dẳng mà vô tình làm giảm chất lượng cuộc sống. Hiểu đúng cơn đau, chọn đúng phương pháp điều trị khi bị đau và một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý là cách để nói “không” với chứng đau cơ và đau toàn thân này.

Cơn đau thông thường có thể đến rồi đi nhưng cũng có khi để lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khi đang điều khiển máy móc hoặc đang lái xe. Đau làm giảm năng suất làm việc, học tập và nghiêm trọng hơn có thể gây ra chứng trầm cảm, mệt mỏi kéo dài.

Có nhiều cách “cắt đứt” cơn đau cơ bằng liệu pháp tác động lên vùng cơ bị đau như đấm bóp, giác hơi, xông nước nóng..., hay đơn giản hơn là dùng thuốc giảm đau. Khi đã quyết định dùng thuốc, người bệnh cũng cần chọn đúng thuốc giảm đau chuyên trị để bảo đảm sức khỏe cho mình.

Thuốc giảm đau phù hợp cho các cơn đau cơ và đau toàn thân từ nhẹ đến trung bình thường nằm trong nhóm NSAIDs (nhóm giảm đau thông thường không có chất gây nghiện) có thể mua mà không cần toa bác sĩ. Điều này đồng nghĩa người bị đau có thể tự lựa chọn thuốc để chữa trị dứt cơn đau của mình. Dưới đây là một vài lời khuyên dùng thuốc giảm đau có thể là sự trợ giúp hữu ích:

Dùng đúng thuốc chuyên trị: Trong điều trị đau cơ và đau toàn thân, nhóm thuốc chuyên trị thường gồm hai hoạt chất ibuprofen và paracetamol liều thấp dưới 400 mg đối với mỗi chất. Hai chất này kết hợp với nhau không chỉ giảm đau mà còn có thể kháng viêm và ít khi xuất hiện tác dụng phụ.

Dùng đúng liều lượng thuốc: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo chỉ định là điều cần thiết để dùng thuốc an toàn. Không sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị quá 10 ngày. Nếu chỉ là đau cơ từ nhẹ đến trung bình, một vài liều thuốc giảm đau chuyên trị cũng đủ để xua đi cơn đau nhanh chóng. Nếu đã điều trị nhưng không khỏi, tốt nhất là nên đi khám để có những chẩn đoán chính xác nhất.

Trước khi điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phòng tránh những cơn đau bằng chế độ làm việc, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. 

Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh
(Trưởng phân khoa Chỉnh hình - Xương khớp Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.