Thực tế, những năm qua các tỉnh Tây nguyên đã ồ ạt phát triển thủy điện. Hệ quả, rừng bị phá, quỹ đất sản xuất giảm, môi trường bị ảnh hưởng… Một số công trình thi công ẩu tả, cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo để xảy ra sự cố nghiêm trọng như thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum), thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) khiến người dân sống trong vùng có thủy điện nơm nớp lo sợ.
Theo đánh giá của thường trực Ban Chỉ đạo Tây nguyên, việc phát triển thủy điện ở Tây nguyên tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại về xã hội cũng như môi trường. Có 80.000 ha đất các loại đã ngập chìm trong nước, 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn lốc phát triển thủy điện. Việc tái định canh, định cư đảm bảo dân sinh cho người dân cũng chưa được chú trọng đúng mức. Hệ lụy này sẽ ảnh hưởng lâu dài.
Ranh giới giữa “thế mạnh” và “hậu họa” từ việc phát triển ồ ạt thủy điện là rất mong manh. Sau những lần vấp, chính quyền các tỉnh Tây nguyên ý thức khá tốt về vấn đề này. Từ đó sẽ dẫn đến kết quả: Giảm đi sự xâm hại môi trường, bớt đi nỗi lo sợ canh cánh của người dân cả về tính mạng lẫn mưu sinh.
Nhưng mối lo khác vẫn đang luôn hiện hữu, đó là quá trình trả rừng. Toàn Tây nguyên có trên 22.700 ha rừng bị đánh đổi để thực hiện các dự án thủy điện. Việc hoàn rừng đang diễn ra nhỏ giọt với chưa đến 1.000 ha rừng được trồng lại bù cho diện tích bị mất.
Lâm tặc chặt phá, một số trong lực lượng chức năng biến chất, phát triển thủy điện… là những lý do khiến rừng bị “chảy máu”, đằng đẵng nhiều năm qua. Khái niệm “Tây nguyên rừng vàng” có chăng đang ở thì quá khứ hoặc… tương lai!
Do đó, việc một số tỉnh Tây nguyên cương quyết nói không với thủy điện có thể được xem là một dấu hiệu tích cực.
Trần Hiếu
>> Thủy điện 'nuốt' gần 1.900 ha rừng
>> Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu
>> Các nhà máy thủy điện thiếu nước hoạt động
Bình luận (0)