So sánh với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn và người thương vong tăng lần lượt là 15,8% và 14%, trong khi số doanh nghiệp, cơ sở báo cáo về Sở LĐ-TB-XH giảm tới 243 đơn vị.
An toàn lao động phải luôn được đặt lên hàng đầu |
SONG MAI |
Đặc biệt, qua công tác điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ghi nhận tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thi công xây dựng (gồm xây dựng công trình dân dụng, công trình công ích hay công trình chuyên dụng khác…) chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, ở lĩnh vực này có 17/31 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm tỷ lệ tới 54,81%.
Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH chỉ rõ một số nguyên nhân khiến tai nạn lao động tăng, gồm người lao động vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc thiếu an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân... Đáng lưu ý, có 36 trường hợp do lỗi của người sử dụng lao động.
Những con số biết nói và phân tích trên cho thấy tai nạn lao động là vấn đề cần được báo động. Đặc biệt, sau 5 tháng ròng giãn cách, TP.HCM đang dần phục hồi kinh tế, xã hội, các ngành liên quan đến công nghiệp - xây dựng sẽ nhộn nhịp hơn, chưa kể sản xuất để phục vụ cho thị trường cuối năm, nếu không có những biện pháp chấn chỉnh thì nguy cơ tai nạn lao động rất đáng lo.
Theo nhiều chuyên gia, để giảm tai nạn lao động, thời gian tới đòi hỏi vai trò cao hơn nữa của đội ngũ giám sát, kiểm tra các hoạt động thi công tại công trình; không chỉ giám sát chất lượng xây dựng công trình mà còn cả người lao động làm việc tại đó để tuân thủ đúng quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan liên quan cần tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho toàn bộ người lao động đang làm việc tại các công trình, bao gồm cả nhóm lao động thời vụ, lao động phổ thông, bởi điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ mà còn cho những bộ phận liên đới thi công; tác động trực tiếp tới hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, đơn vị.
Bình luận (0)