Nỗi lo 'dịch' phá rừng ở Tây nguyên

25/05/2019 05:00 GMT+7

Đừng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Thời gian qua các địa phương chưa quyết liệt đấu tranh, điều tra xử lý phá rừn g, lấn chiếm rừng. Nếu không làm quyết liệt sẽ trở thành “dịch”...

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn tại Hội nghị triển khai đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây nguyên (giai đoạn 2016 - 2030), tổ chức ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 24.5.
Trước khi chủ trì hội nghị, ông Hà Công Tuấn đã đến tiểu khu (TK) 292, xã Tân Thanh, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) kiểm tra khu rừng hơn 10,7 ha bị đầu độc (Báo Thanh Niên đã phản ánh). “Lâm Đồng có 8 vụ hủy hoại rừng với diện tích 28,7 ha, vi phạm pháp luật nhiều nơi, công nhiên như thế là không chấp nhận được”, ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, cơ quan chức năng phải kiên quyết điều tra, xử lý cho nghiêm.
“Việc điều tra không dễ, nhưng không phải không làm được. Vụ phá rừng ở TK 292 (Lâm Hà) khi công an Lâm Đồng quyết liệt làm đã xác định và khởi tố 4 bị can. Chúng ta có cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật, tố tụng, lẽ nào vụ phá rừng công khai như thế lại không điều tra ra? Chúng ta cần nâng cao vai trò của chủ rừng. Vận động người dân cùng chính quyền địa phương phát hiện sớm để ngăn chặn từ đầu sẽ bớt thiệt hại hơn; không nên để thiệt hại lớn như thế này. Chúng tôi tổ chức hội nghị này ở Lâm Đồng cũng nhằm chỉ rõ những nguyên nhân và yêu cầu các cơ quan địa phương phải vào cuộc ngăn chặn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mỗi ngày 10 vụ xâm hại rừng

Trước đây những người phá rừng dùng cưa để cưa cây, nay họ khoan lỗ, bơm thuốc độc cho cây chết. Kiểm lâm đâu thể ngồi từng gốc thông để canh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Nie Kơng
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây nguyên là 2.557.322 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46,01%, tăng 0,04% so với năm 2017 (còn thiếu 3,1% so với “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây nguyên giai đoạn 2016 - 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt).
Cũng trong năm 2018, đã phát hiện 4.114 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 397,22 ha. Riêng 4 tháng đầu năm 2019 phát hiện 1.185 vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại là 255,27 ha, tăng 46,59 ha so với cùng kỳ năm 2018.
Tại hội nghị, ông Y Giang Gry Nie Kơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nêu lý do rừng bị phá vì áp lực dân số gia tăng nhu cầu đất sản xuất, đất ở tăng theo.
“Trước đây những người phá rừng dùng cưa để cưa cây, nay họ khoan lỗ, bơm thuốc độc cho cây chết. Kiểm lâm đâu thể ngồi từng gốc thông để canh. Thực tế những đối tượng xấu thường xúi giục dân phá rừng, lấn chiếm đất rồi họ mua lại, xem như việc mua bán đã xong! Bây giờ ở Đắk Lắk phần lớn còn lại là rừng nghèo kiệt, thưa thớt”, ông Nie Kơng nói.
Nỗi lo “dịch” phá rừng ở Tây nguyên
Hiện trường vụ cưa hạ rừng thông tại H.Lâm Hà, Lâm Đồng để chiếm đất Ảnh: Lâm Viên
Tương tự, ông Nguyễn Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, nêu: “Giá đất đang lên cao nên rừng vùng giáp ranh TP bị phá liên tục, nhưng rất khó bắt quả tang để xử lý, vì không ai ngồi canh từng cây thông được”. Ông Nhĩ cho biết, năm 1991 khi tách tỉnh Gia Lai chỉ có 600.000 dân, hiện nay tăng lên 1,5 triệu dân, do đó áp lực đất ở, đất sản xuất rất lớn, dẫn đến việc phá rừng làm nhà ở, chiếm đất sản xuất. 5 tháng đầu năm 2019, Gia Lai xử lý hình sự 24 vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nêu thực trạng thời gian gần đây việc phá rừng nhằm lấy đất sản xuất, để bán, nên rất khó cho lực lượng QLBVR. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra hiện trường toàn “vắng chủ”, do đó việc bảo vệ rừng không hiệu quả!
Trong khi đó, ông Lê Văn Dần, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, thẳng thắn: “Tây nguyên đang loay hoay giữ rừng, những năm gần đây diện tích rừng suy giảm rất nhanh, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng diễn ra thường xuyên và tinh vi. Chúng ta giao QLBVR nhưng thực tế không bảo vệ được. Cần đánh giá lại lực lượng bảo vệ hiện nay có kham được không. Có ban QLBVR nhưng rừng vẫn bị phá”. Ông Dần cũng cho rằng lương của nhân viên bảo vệ rừng chỉ 3,5 - 4 triệu/tháng, nhưng ở trong rừng suốt nên “buông luôn” và “cần chia sẻ với anh em và nhìn vào thực tế để có chính sách phù hợp, nếu không nguy cơ phá rừng còn rất lớn”.

Phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý

Đừng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Thời gian qua các địa phương chưa quyết liệt đấu tranh, điều tra xử lý phá rừng, lấn chiếm rừng. Nếu không làm quyết liệt sẽ trở thành “nạn dịch”
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn
Theo Bộ NN-PTNT, thực tế một số chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực, không nghiêm túc khắc phục hậu quả trồng lại rừng, để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu. Diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp bị giải thể hiện chưa được quản lý, bảo vệ phù hợp. Với chính quyền địa phương cơ sở, tại một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về QLBVR, vai trò chỉ đạo điều hành còn mờ nhạt, thiếu, khó xử lý.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, Tây nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, “điểm nóng” nhất trong bảo vệ rừng của cả nước. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực này vẫn tiếp tục bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của 3 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông tiếp tục bị giảm so với năm 2017. “Đừng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Thời gian qua các địa phương chưa quyết liệt đấu tranh, điều tra xử lý phá rừng, lấn chiếm rừng. Nếu không làm quyết liệt sẽ trở thành “nạn dịch”. Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trên địa bàn”, ông Tuấn nói.
Nhấn mạnh riêng tỉnh Lâm Đồng có tới 8 vụ đầu độc rừng thông, với diện tích 28,7 ha là rất lớn, theo ông Tuấn, phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. “Bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp, không chỉ của đề án 297, vì vấn đề giải quyết đất cho người dân thực sự có nhu cầu là sự ưu đãi của nhà nước và cũng là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Hiện chúng ta cũng đang phải giải quyết hệ lụy của di dân tự do. Chúng ta phải bảo đảm người sản xuất nông nghiệp phải có đất, nhưng không phải vì thế mà người dân vi phạm pháp luật. Lợi dụng tự do cư trú để vào bất cứ nơi nào lấy đất, chiếm đất”, ông Tuấn lưu ý.
Ngày 18.3.2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 297/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây nguyên giai đoạn 2016 - 2030”.
Mục tiêu đề án phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%. Bảo vệ hơn 2,24 triệu ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; khai thác rừng trái phép và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời. Xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; đẩy mạnh quản lý rừng cộng đồng, thực hiện canh tác nương rẫy bền vững theo hướng nông lâm kết hợp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.