Khó phát hiện bằng PCR
Báo The Guardian hôm qua đưa tin các nhà khoa học những ngày gần đây đã phát hiện một phiên bản “tàng hình” của biến thể Omicron, khó bị phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm PCR.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường ở nhiều nơi |
AFP |
Phiên bản này có nhiều đột biến tương tự như phiên bản gốc của biến thể Omicron, nhưng bị mất một đặc điểm di truyền nên khó để nhận ra. Phiên bản mới được phát hiện tại Canada, Nam Phi và Úc nhưng do đặc điểm khó phát hiện nên có thể đã lây lan ra nhiều nơi khác. Với sự ra đời của phiên bản mới, các nhà khoa học đã phân chia biến thể Omicron (B.1.1.529) thành 2 dòng gồm BA.1 là phiên bản gốc và BA.2 là phiên bản mới.
Hiện chưa rõ phiên bản “tàng hình” đã hình thành như thế nào và liệu có lây lan như phiên bản gốc hay không. Một số ý kiến lo sợ rằng BA.2 có thể âm thầm lây lan khi lực lượng y tế mải chú ý đến BA.1. Tuy nhiên, Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học College London (Anh), nhận xét 2 dòng này khá khác nhau về mặt di truyền, nên có thể sẽ có hành vi khác nhau. Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu lây lan nhanh hơn phiên bản gốc, BA.2 có thể được coi là một “biến thể đáng lo ngại” mới.
Giả thuyết mới về nguồn gốc của biến thể Omicron |
Trong khi đó, Kênh News18 dẫn phân tích của các chuyên gia y tế trấn an rằng chưa cần phải lo ngại vì việc phân chia chỉ nhằm mục đích giúp các nhà khoa học giám sát tốt hơn về mặt dịch tễ học. Đáng lưu ý, biến thể Delta ban đầu được chia thành các phiên bản khác nhau, gồm cả “Delta plus” và sau cùng có khoảng 100 dòng, nhưng những phiên bản đó không gây tác động khác biệt.
Tín hiệu khả quan về Omicron
Từ khi xuất hiện đến nay, phiên bản gốc của Omicron đã lan ra hơn 50 nước, theo thống kê của Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng các công cụ xét nghiệm hiện tại vẫn hiệu quả trong việc phát hiện Omicron, nhưng với những đột biến mới trong tương lai, biến thể này có thể né tránh được các phương pháp xét nghiệm, qua đó gây ra những đợt bùng phát nghiêm trọng bởi đã có những bằng chứng cho thấy Omicron lây lan mạnh hơn các biến thể khác.
Trưởng cố vấn y tế tổng thống Mỹ Anthony Fauci trích dẫn những dữ liệu trên thế giới cho biết Omicron rõ ràng có tính lây lan cao hơn Delta và cũng dễ gây tái nhiễm bệnh hơn, theo AFP. Tuy nhiên về độc lực, ông Fauci nói “gần như chắc chắn” Omicron không gây bệnh nặng hơn Delta. Ngoài ra, vị chuyên gia lưu ý không nên quá lạc quan và cần chờ thêm dữ liệu trong những tuần tới.
Vắc xin Pfizer hiệu quả ra sao đối với biến thể Omicron? |
Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cũng có cùng nhận xét về khả năng lây lan cũng như độc lực của biến thể Omicron. Ông Ryan thừa nhận vắc xin có thể bớt hiệu quả đối với Omicron nhưng tuyên bố biến thể này “rất khó có khả năng” né tránh được hoàn toàn sự bảo vệ của các loại vắc xin Covid-19 hiện có.
Tiến sĩ Karen Jacobson, Phó giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Boston (Mỹ), dẫn số liệu tại các đợt bùng phát ở Đan Mạch, Na Uy và Úc cho thấy số ca nhập viện vì biến thể Omicron là thấp hơn so với các biến thể khác, ngay cả đối với trẻ em, theo UPI.
Bình luận (0)