Cuộc “hành xác” ở trận tứ kết tại Kiev của tuyển Ý đã làm suy yếu đi vũ khí quan trọng nhất của họ là thể lực.
|
Sở dĩ đây là vấn đề mấu chốt nhất vì ai cũng biết các tuyển thủ đã quá mỏi mệt sau một mùa giải vô địch quốc gia căng thẳng kéo dài, nên chân ai cũng như đeo chì, từ đó nhiều trận tại Euro lần này chất lượng không thật sự cao và ít tính cống hiến. Thế nên chỉ cần một trận đấu kéo dài hơn 90 phút và thời gian hồi phục cho trận đấu tiếp theo lại quá ngắn thì các tuyển thủ rất dễ bị kiệt sức.
Trong điều kiện lối chơi phải phụ thuộc quá nhiều vào một hay một nhóm cầu thủ ngôi sao nào đó mà không có lực lượng tuyến hai sẵn sàng thay thế thì rất dễ dẫn đến tình trạng bào mòn thể lực nếu các “ông lớn” đó quá tải. Chỉ cần nhìn các bước chạy nặng nề của các cầu thủ Hà Lan, Pháp, Anh và một vài đội khác có cầu thủ thi đấu với mật độ dày tại các giải bóng đá lớn rất dễ nhìn thấy tương lai của họ chẳng có gì sáng sủa.
Tại các kỳ Euro, Ý cũng đã từng là nạn nhân của việc kiệt sức này. Trận bán kết với đồng chủ nhà Hà Lan năm 2000, Ý đã thắng sau loạt sút luân lưu 11 m khi hòa trong 120 phút. Một cuộc chiến mà họ đã vắt hết những giọt mồ hôi cuối cùng, nên khi gặp Pháp trong trận chung kết dù rất cố gắng và dẫn trước do Marco Delvecchio ghi, nhưng càng về cuối Ý càng đuối nên Fabio Cannavaro đã mắc sai sót phá bóng ngay chân Wiltord để cầu thủ này gỡ hòa và sau đó không còn ai đủ tỉnh táo để kèm người tạo cơ hội cho Trezeguet ghi bàn quyết định trong hiệp phụ.
Bài học này suýt lặp lại ở World Cup 2006 khi Ý cũng đuối sức sau khi thắng Đức ở bán kết trong 120 phút và chơi rất nhạt nhòa trong trận chung kết trước Pháp. Nhưng may mắn là nhờ pha khiêu khích của Materazzi với Zidane khiến thủ lĩnh Pháp húc đầu bị thẻ đỏ, nên cuối cùng Ý lợi thế tâm lý và chiến thắng khó nhọc trên chấm phạt đền.
Bài học đó còn nóng hổi. Liệu người Ý có vượt qua?
Q.T
Bình luận (0)