Mùa mưa là thời điểm tai nạn điện luôn rình rập, nhất là khi tình trạng không đảm bảo hành lang an toàn lưới điện vẫn còn phổ biến.
Gia cố điện để tránh sự cố trong mùa mưa lũ tại Đồng Tháp - Ảnh: Tú Uyên
|
Hậu quả khó lường
Vài năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp. Mưa thường kèm theo giông, lốc, gây ra nhiều sự cố lưới điện như: trụ điện gãy đổ, sụt lún, đứt đường dây… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), bên cạnh những sự cố điện do thời tiết vẫn có rất nhiều vụ tai nạn điện xuất phát từ sự chủ quan, thiếu ý thức trong đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Tình trạng vi phạm, mất an toàn vẫn thường xuyên xảy ra và điều này rất nguy hiểm nếu không được khắc phục trong mùa mưa bão.
Ông Đức nhắc lại hàng loạt sự cố điện từ đầu năm đến nay. Đơn cử là ngày 18.3, trong quá trình thanh lý vườn cây cao su ở Bình Phước, đơn vị cưa cắt cây đã để cây cao su cao hơn 25 m ngã vào đường dây, gây mất điện tuyến đường dây 110 kV Bình Long 2 - Thác Mõ. Điều đáng nói là trước đó, Điện lực Bình Phước đã cảnh báo chủ vườn về biện pháp an toàn trong quá trình khai thác và thanh lý vườn cao su nhưng khi thanh lý, chủ vườn không thông báo cho Điện lực Bình Phước để được hướng dẫn biện pháp an toàn. Trước đó không lâu, ngày 9.3, chiếc xe cuốc của Công ty Đông Mê Công khi thi công Quốc lộ 20 đã vi phạm khoảng cách an toàn tuyến đường dây 22 kV 477 Quang Trung, làm mất điện một số khu vực thuộc H.Thống Nhất (Đồng Nai). Ngày 14.5, trong quá trình xây nhà, một thợ xây dựng đã kéo sắt vi phạm khoảng cách an toàn tuyến đường dây 22 kV 480 Tân Thắng, gây tai nạn điện cho bản thân và làm mất điện một số khu vực TX.Dĩ An (Bình Dương)…
Chủ động tránh sự cố điện
Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết trước tình hình mùa mưa đến, EVN SPC đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế tối thiểu sự cố điện. Ông Ái nói: “Chúng tôi đã cho tổng kiểm tra lưới điện để khắc phục, xử lý ngay các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố. Đặc biệt là kiểm tra và nâng cao độ võng đối với các vị trí vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão”. Cũng theo ông Ái, EVN SPC đã lắp đặt, sửa chữa và thay thế các biển báo an toàn để cảnh báo người dân trong mùa mưa bão; chỉ đạo các điện lực trực thuộc thường xuyên phát quang và dọn dẹp hành lang lưới điện; vận động người dân sinh sống sống dọc theo lưới điện chặt tỉa cây xanh, chằng néo mái tole, di dời ăng ten ti vi... để đảm bảo an toàn lưới điện.
Chỉ đạo của EVN SPC nhanh chóng được các địa phương thực hiện, điển hình là Trà Vinh, một trong những tỉnh có nhiều cây xanh lâu năm được bảo tồn. Đến nay Điện lực Trà Vinh đã kiểm tra toàn bộ và cắt tỉa cây cối gần khu vực có đường dây điện ngang qua; khi có gió bão cấp 6 sẽ cắt điện các tuyến đường dây, khu vực ngập sâu ảnh hưởng đến an toàn điện đều được cắt nguồn... Tại Đồng Tháp, Điện lực tỉnh đã triển khai nhiều phương án xử lý sự cố điện như chặt tỉa cây lớn, xử lý các biển báo vượt sông bị phai mờ và đường dây vượt sông có nguy cơ xảy ra sự cố…
EVN SPC ghi nhận, đến nay trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam, các công ty điện lực đã cơ bản xử lý xong các điểm có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ người dân trong mùa mưa bão.
“8 không” để phòng ngừa các tai nạn điện đáng tiếc:
- Không thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.
- Không lắp ăng ten; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng
cáo... khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.
- Không trồng cây vi phạm khoảng cách an toàn đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.
- Không bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.
- Không đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện.
- Không đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn.
- Không sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc...
- Không đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn
động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm
điện, nhà máy điện.
|
Bình luận (0)