Nỗi lo thể lực của bóng đá trẻ Việt Nam

17/08/2024 09:17 GMT+7

Thể hình và thể lực đang là cản trở với các cấp độ đội trẻ VN, minh chứng là thất bại 0-4 của U.16 VN trước U.16 Trung Quốc ngày 16.8.

U.16 VN đã chơi không tồi trước U.16 Trung Quốc ở trận giao hữu chiều 16.8, ít nhất trong 65 phút đầu. Các học trò của HLV Cristiano Roland chỉ thủng lưới 1 bàn trong hiệp 1, đồng thời chơi ổn trong nửa đầu hiệp 2, tạo ra một số cơ hội ăn bàn. 

Tuy nhiên, 3 bàn thua chóng vánh trong 15 phút (từ 70 đến 85) khiến U.16 VN nhận thất bại đậm 0-4. Đáng nói là trong 20 phút cuối trận, trong khi U.16 Trung Quốc vẫn rất sung mãn, U.16 VN lại như trái bóng bị xì hơi. Đặng Công Anh Kiệt cùng đồng đội chủ yếu… đi bộ, không theo được tốc độ của đối thủ. Trong hai bàn thua cuối, U.16 VN gần như không còn bắt kịp tình huống, để chủ nhà dàn xếp tấn công và dứt điểm dễ dàng.

 Nỗi lo thể lực của bóng đá trẻ Việt Nam- Ảnh 1.

U.16 VN chưa có được nền tảng thể lực hoàn chỉnh

VFF

U.16 VN đã thua bởi vấn đề rất cũ. Ở giải U.16 Đông Nam Á 2024 mới khép lại ở Indonesia, các cầu thủ trẻ VN bị U.16 Thái Lan loại khỏi bán kết bởi bàn thua phút bù giờ. Rồi đến trận gặp U.16 Indonesia, toàn đội thua 5 bàn không gỡ, phần lớn đến trong hiệp 2. Hay trước đó ở trận gặp U.16 Campuchia, thể lực U.16 VN cũng… chẳng hơn đối thủ.

AFF Cup 2024: Phép thử thực sự cho HLV Kim Sang-sik

Những bước chạy lững thững của lứa U.16 cho thấy thiếu sót của bóng đá trẻ VN, đó là thể lực. Khi những nền bóng đá hàng đầu châu Á xây dựng lối đá hiện đại, bồi dưỡng nguồn thể lực dồi dào cho các cầu thủ ngay từ khi còn trẻ, bóng đá trẻ VN lại đang ở cảnh "liệu cơm gắp mắm", hay nói đúng hơn là… sức đến đâu, đá đến đó. Đây không thuần túy là lỗi của những HLV cấp độ đội tuyển như Trần Minh Chiến hay Roland, mà đến từ khâu phát hiện, đào tạo và dinh dưỡng ở CLB. HLV Roland chỉ có thể tiếp quản một tập thể đã được huấn luyện từ trước tại đội bóng chủ quản rồi phát triển kỹ chiến thuật phục vụ giải đấu. Nền tảng thể lực là thứ không thể bồi đắp trong ngày một ngày hai, mà là hệ quả của quá trình huấn luyện kéo dài nhiều năm. Mà ở khía cạnh này, U.16, U.19 hay U.23 VN đều chưa ổn so với mặt bằng châu Á.

 Nỗi lo thể lực của bóng đá trẻ Việt Nam- Ảnh 2.

Đội U.16 VN (áo trắng) còn phải nỗ lực nhiều

VCG

 Nỗi lo thể lực của bóng đá trẻ Việt Nam- Ảnh 3.

Bóng đá VN từng có 5 năm thành công (2018 - 2022) nhờ lứa cầu thủ phát triển toàn diện về thể chất, gồm các yếu tố chiều cao, độ dày cơ thể, sức rướn lẫn thể lực. Tuy nhiên ngay cả khi có lứa toàn diện bậc nhất trong lịch sử, đội tuyển VN chỉ thu hẹp một phần khoảng cách vời vợi với những đội hàng đầu châu lục. 

Chưa nói đến đá theo đấu pháp hay triết lý nào, bóng đá VN muốn nâng tầm, cầu thủ cứ phải khỏe đã. Khỏe để chạy tốt trong 90 phút, tranh chấp tốt với những đối thủ ngày càng dày mình hơn. Mong rằng khi đang ở độ tuổi có thể phát triển thêm về thể chất, các cầu thủ trẻ VN sẽ nhận được chế độ dinh dưỡng, huấn luyện hợp lý hơn. Để tránh trường hợp đến ngưỡng tuổi trưởng thành và lên đội tuyển quốc gia rồi mà vẫn phải đào tạo lại từ đầu, bóng đá VN rất khó bứt phá.

U.16 VN sẽ đối đầu U.16 Uzbekistan lúc 14 giờ 30 ngày 18.8, sau đó đá trận hạ màn gặp U.16 Nhật Bản lúc 18 giờ 35 ngày 20.8 tại giải giao hữu quốc tế 2024 tổ chức ở Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.