Bóng đá trẻ Việt Nam từng gây sốc khi thắng Qatar, nhưng bây giờ…

12/02/2024 14:40 GMT+7

Khi ‘thế hệ vàng’ từng tỏa sáng tại VCK U.23 châu Á năm 2018 ở Thường Châu như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường… không còn là chính mình thì những bại tướng của họ trong đội tuyển Qatar lại có đến 2 lần lên đỉnh châu Á các năm 2019 và 2023. Vì sao?

Năm 2018, cả châu Á sững sờ khi U.23 Việt Nam với những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Đức Chinh… đã bất ngờ đánh bại ứng cử viên rất mạnh là U.23 Qatar ở bán kết giải U.23 châu Á.

Nói người hâm mộ bóng đá châu Á sững sờ bởi khi đó các cầu thủ trẻ Qatar cũng được xem là thế hệ vàng được đầu tư rất kỹ lưỡng để chuẩn bị cho World Cup 2022. Họ đều trải qua phần lớn thời niên thiếu ở Học viện Aspire Qatar, nơi hội tụ của nhiều tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, hai cầu thủ Almoez Ali và Akram Afif (đều sinh vào năm 1996) là những cái tên nổi bật nhất.


Bóng đá trẻ Việt Nam từng gây sốc khi thắng Qatar, nhưng bây giờ…- Ảnh 1.

Afif (10) gặp U.23 Việt Nam năm 2018

Lứa cầu thủ này đã tạo nên chiến tích lớn đầu tiên đó là chức vô địch U.19 châu Á 2014. Tuy nhiên, khi ấy trong mắt người hâm mộ châu Á, U.19 Qatar chỉ được coi là một hiện tượng. Họ vô địch song không gặp những đối thủ thuộc dạng "sừng sỏ" như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran. 4 năm sau, Afif và Ali trở thành trụ cột của U.23 Qatar.

Afif là một cầu thủ chạy cánh trái tốc độ và kỹ thuật đều tốt. Còn Ali sở hữu sức mạnh và khả năng dứt điểm rất sắc sảo của một tiền đạo cắm. U.23 Qatar thể hiện phong độ hủy diệt suốt từ đầu giải đấu, nhưng lại bất ngờ gục ngã trước U.23 Việt Nam ở vòng bán kết. Cả Afif và Ali đều ghi bàn. Trong đó Akram Afif là tác giả mở tỷ số với pha dứt điểm chính xác trên chấm 11 m.

Highlight Jordan 1 - 3 Qatar: Chủ nhà lên ngôi thuyết phục | Asian Cup 2024

Tuy nhiên, mỗi lần Qatar có bàn thắng, họ đều bị Quang Hải san bằng cách biệt. Cuối cùng, U.23 Việt Nam giành chiến thắng trong loạt đá luân lưu 11 m và tiến vào trận chung kết. Hình ảnh các cầu thủ Qatar như Afif và Ali đổ gục xuống sân khóc nức nở khi kết thúc loạt sút luân lưu được xem là khoảnh khắc khó quên đối với những ai chứng kiến trận đấu này trực tiếp trên sân hoặc qua truyền hình. Thế nhưng vượt lên nỗi buồn thất bại, Afif cũng như Ali trưởng thành chóng mặt.


Bóng đá trẻ Việt Nam từng gây sốc khi thắng Qatar, nhưng bây giờ…- Ảnh 2.

Đội Qatar vô địch Asian Cup 2019 và 2023

REUTERS

Asian Cup 2019 chứng kiến thế hệ vàng của Qatar bước lên đỉnh châu Á. Trong đó Almoez Ali ghi tới 9 bàn thắng và giành ngôi Vua phá lưới. Còn Afif cũng kịp góp bàn thắng ấn định chiến thắng 3-1 trước Nhật Bản trong trận chung kết Asian Cup. Chưa hết, 5 năm sau, cả hai tiếp tục tỏa sáng và giúp Qatar một lần nữa lên đỉnh châu Á. Akram Afif giành giải Vua phá lưới với 8 bàn và 3 kiến tạo, đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Số 11 của Qatar gây kinh ngạc khi in dấu giày trong 22 bàn thắng ở 2 kỳ Asian Cup liên tiếp.


Bóng đá trẻ Việt Nam từng gây sốc khi thắng Qatar, nhưng bây giờ…- Ảnh 3.

Afif đặc biệt xuất sắc tại Asian Cup 2023

REUTERS

Đặc biệt, Afif góp công trong cả 6 bàn thắng trong 2 trận chung kết, 4 bàn thắng và 2 kiến tạo. Những cột mốc cá nhân được xem còn rất lâu để một cầu thủ khác có thể tái lập ở Asian Cup. Trong khi đó, thế hệ vàng của Việt Nam sau VCK U.23 châu Á 2018 cũng rất xuất sắc và nỗ lực để đưa đội tuyển Việt nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tứ kết Asian Cup 2019.

Tuy nhiên, đây cũng là đỉnh cao được cho là cuối cùng của lứa cầu thủ từng được xem là tài năng nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay, bởi tại Asian Cup 2023, chỉ còn Quang Hải ghi được 1 bàn thắng trong trận Việt Nam thua Iraq 2-3, những cầu thủ còn lại đều mất hút vì chấn thương không thể dự giải (Tiến Dũng, Thành Chung, Văn Hậu…) hoặc sa sút phong độ nên không được triệu tập (Xuân Trường, Công Phượng, Đức Chinh, Đức Huy…). So sánh tuổi của 2 lứa cầu thủ của Qatar và Việt Nam có thể thấy họ đều đang ở độ tuổi sung sức và đẹp nhất của đời cầu thủ (27 - 29 tuổi), thế nhưng phong độ thì hoàn toàn trái ngược. Các cầu thủ Việt Nam dường như đánh mất động lực thi đấu, không còn ý chí nỗ lực vươn lên cao hơn nữa sau những hào quang giành được cùng đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á. Xuân Trường lặng lẽ mất hút ở V-League, Công Phượng đóng vai cầu thủ dự bị triền miên tại Nhật Bản, Quang Hải vẫn chưa thể lấy lại phong độ sau thời gian xuất ngoại thi đấu…

Từ so sánh trên, điều dễ nhận thấy ở bóng đá Việt Nam đó là việc thiếu tính bền vững, nghĩa là chưa có một chân móng vững chắc để giúp cầu thủ duy trì thành tích ổn định mang tính liên tục từ cấp độ trẻ lên đến cấp đội tuyển. Đó cũng là lý do vì sao có những thời điểm bóng đá Việt Nam có những lứa trẻ thi đấu rất thành công tại các giải đấu cấp châu lục đồng thời sản sinh rất nhiều những tài năng trẻ, nhưng sau đó lại lụi tàn dần và biến mất một cách lặng lẽ, để lại nhiều nuối tiếc cho bóng đá nước nhà. Bóng đá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng ở cấp độ trẻ, nhưng để nuôi dưỡng, phát triển và duy trì những tài năng ấy ở đẳng cấp cao hơn nữa lại là việc làm cấp bách hiện nay của những cấp quản lý bóng đá Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.