Nỗi lo thương hiệu Việt âm thầm 'biến mất'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/06/2018 06:44 GMT+7

Nguồn vốn ngoại đổ vào Việt Nam qua con đường mua bán sáp nhập trong nửa đầu năm nay đạt 4,1 tỉ USD, tăng trên 82% so cùng kỳ.

Đây là điều đáng chú ý trong Báo cáo sơ bộ tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) vừa công bố. Cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 11,8 tỉ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,43 tỉ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, trong khi 2 hình thức đầu tư đăng ký mới và mở rộng đầu tư đều sụt giảm thì đầu tư qua mua bán sáp nhập lại tăng rất mạnh cả về lượt dự án và vốn đầu tư. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỉ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ.

Đình đám nhất là thương vụ thâu tóm thương hiệu nhựa số 1 của VN của người Thái. Hiện The NawaPlastic Industries (Saraburi) Co. Ltd thuộc tập đoàn SCG (Thái Lan) đang nắm tỉ lệ 50,89% tại Nhựa Bình Minh.
Hai nhà đầu tư của Nhật là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad góp 50% vốn cùng với Tập đoàn Nam Long để thực hiện dự án Khu đô thị Akari Bình Tân, tổng vốn đầu tư 7.676 tỉ đồng. Một nhà đầu tư khác cũng đến từ Nhật Bản là Nomura Real Estate cũng đã thâu tóm 24% giá trị tòa nhà Sunwah Tower (tại Q.1, TP.HCM); nhà đầu tư Frasers Property (Úc) chi 18 tỉ USD mua lại 75% cổ phần của Phú An Khang - Công ty con của Tập đoàn Trần Thái; nhà đầu tư Strategic Hospitality Reit (Thái Lan) thâu tóm hai dự án Capri by Fraser và BIS Nam Sài Gòn tại Q.7, TP.HCM...
Ở lĩnh vực thép, công ty đến từ Nhật Bản là Kyoei Steel Ltd. trong tháng 5 cũng hoàn tất tăng sở hữu Công ty Cổ phần Thép Việt Y từ 20% lên 65%, nắm quyền chi phối công ty này. Ngoài ra, từ đầu năm nay, Tập đoàn Takara Belmont (Nhật Bản) đã hoàn tất việc nắm giữ đến 97% vốn Công ty cổ phần Thương mại sản xuất dịch vụ Ngữ Á Châu (NAC) - chuyên hoạt động kinh doanh lĩnh vực hóa chất tóc, tiến hành sáp nhập NAC vào tập đoàn này. Bằng động thái này, nhà đầu tư Nhật nhanh chóng bước chân vào ngành hóa mỹ phẩm tóc ở Việt Nam, thị trường được đánh giá đang cực kỳ tiềm năng. Trước khi sáp nhập, NAC có một mạng lưới phân phối với khoảng 60 đại lý, hơn 35.000 cửa tiệm tóc trên cả nước.

Theo báo cáo, tính chung, thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm về tổng vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chiếm trên 20,33 tỉ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ.

Xu hướng mua bán, sáp nhập tăng cao trong nhiều năm trở về đây khiến nỗi lo ngại về tình trạng nhiều thương hiệu Việt bị thâu tóm, biến mất trên thị trường. Tình trạng này đã từng diễn ra những năm 90 cuốn theo những thương hiệu Việt nổi tiếng để lại bao tiếc nối cho cả người tiêu dùng lẫn người gây dựng lên các thương hiệu này.  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.