Nỗi lo từ chó thả rông

02/05/2019 07:25 GMT+7

Chó nuôi thả rông liên tục tấn công người khiến số người bị chó cắn và tử vong vì bệnh dại tăng nhanh.

Hậu quả đau lòng

Vụ cháu Nguyễn Đắc Ng. (7 tuổi, quê H.Thuận Thành, Bắc Ninh) bị đàn chó 9 con cắn chết ở TT.Lương Bằng (H.Kim Động, Hưng Yên) ngày 3.4 vừa qua đang gây bức xúc trong dư luận. Đàn chó đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhưng chủ nuôi chó thì gần như chưa bị xử lý gì.
Khi vụ việc ở Hưng Yên chưa lắng xuống thì ngày 20.4, một cháu bé 7 tuổi ở xã Khôi Kỳ (H.Đại Từ, Thái Nguyên) cũng bị chó nhà cắn khi đi học về. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện với hai bên nách, tay trái và hậu môn bị dập nát. Được khâu 200 mũi và chuyển tới Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhưng nạn nhân đã không qua khỏi do các vết thương quá nặng. Con chó tấn công nạn nhân cũng là chó nhà thả rông.
Nhà 4 người bị chó cắn thì 2 người phát bệnh dại tử vong là gia cảnh thương tâm của gia đình anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi, xã Trung Sơn, H.Lương Sơn, Hòa Bình). Ngày 31.3, anh Tuấn có biểu hiện sợ nước, sợ tiếng động và ánh sáng, tinh thần hoảng loạn. Khi được đưa đến Trung tâm y tế H.Lương Sơn, anh Tuấn được chẩn đoán bệnh dại và tử vong ngày 2.4, sau khi đã chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội). Vài ngày sau, cháu Bùi Văn Tùng (con trai anh Tuấn), tử vong vì bệnh dại.
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (H.Lương Sơn, Hòa Bình) Bùi Văn Dũng cho biết, gia đình anh Tuấn có tới 4 người bị chó nhà thả rông cắn. Trước đó, ngày 6.2, anh Tuấn bị chó nhà cắn vào mu bàn tay. Sau đó, con chó này cắn thêm vợ và 2 con của anh Tuấn. Khi bắt nhốt và đập chết con chó này, anh Tuấn bị chó cắn lần thứ hai. Tuy nhiên, gia đình chỉ đi tiêm phòng khi anh Tuấn phát bệnh dại.

Khó xử lý ?

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, người nuôi chó buộc phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chó thả rông hoặc khi ra đường phải rọ mõm, chủ nuôi phải đi kèm; nếu không thực hiện, chủ chó bị xử phạt hành chính. Trường hợp chó thả rông không rọ mõm tấn công con người, gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng nhóm thư ký văn phòng Chương trình phòng chống bệnh dại - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), cho biết qua khảo sát, người dân rất thờ ơ trong việc quản lý chó nuôi, khi vẫn để thả rông, không tiêm phòng dại cho chó. Chính quyền địa phương cũng buông lỏng quản lý đàn chó; không có biện pháp xử phạt hành chính buộc chủ nuôi phải tuân thủ các quy định pháp luật về phòng bệnh dại, khiến số người bị chó cắn, người chết vì bệnh dại đang tăng nhanh và đang đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại VN hiện nay.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Quang Im, Chủ tịch UBND TT.Lương Bằng (H.Kim Động, Hưng Yên), địa phương xảy ra vụ việc chó cắn chết người, thừa nhận địa phương này chưa từng xử phạt hành chính người nuôi chó thả rông nào.
TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Vấn đề hiện nay là chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành kết hợp với tuyên truyền để chủ nuôi cho thay đổi nhận thức, chuyển biến thành hành động; tuân thủ đúng các quy định đảm bảo an toàn khi nuôi chó. Chỉ có tiêm phòng bệnh dại đầy đủ mới có thể phòng ngừa được bệnh dại ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, năm 2018, số người bị chó cắn đã lên tới 521.831 người. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng ghi nhận, tỷ lệ người dân đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn năm 2018 đã tăng 4% so với năm 2017, nhưng hiện nay mỗi năm tăng trên 100.000 người bị chó cắn, chủ yếu là chó thả rông, khiến số người bị chết về bệnh dại tăng cao. Năm 2018, Việt Nam có 103 người chết do bệnh dại, tăng 27 người chết so với năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 170.000 người bị chó cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại, 16 người đã chết vì bệnh dại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.