Nỗi lo từ Lách Ló

09/07/2013 09:55 GMT+7

Dự án định canh định cư buôn Lách Ló đặt ra nhiều băn khoăn cho công tác bảo tồn rừng đặc dụng Nam Ka.

Dự án định canh định cư buôn Lách Ló đặt ra nhiều băn khoăn cho công tác bảo tồn rừng đặc dụng Nam Ka.

Ốc đảo giữa rừng già

Để đến được buôn Lách Ló cách trung tâm xã Nam Ka, H.Lắk (Đắk Lắk) hơn 10 km, chúng tôi phải đánh vật bằng xe máy hơn một giờ đồng hồ với chi chít ổ trâu, ổ voi trên con đường rừng nhiều đèo dốc. Buôn nằm giữa rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka như một ốc đảo biệt lập với 44 nóc nhà, gần 180 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào M’nông. Mở đầu câu chuyện, trưởng buôn Y Win than: “Buôn mình khổ lắm, 44 hộ thì có gần 40 hộ diện nghèo, sống chủ yếu bằng lúa rẫy, cây mì, cây bắp; nhiều hộ thiếu ăn phải vào rừng hái măng để đổi gạo. Buôn không có điện, không có nước sạch, đi chợ thì ra tới xã mất nửa ngày đường, làm ra bắp, đậu thì bán giá rẻ, có lúc không có người vào mua vì đường sá xấu quá”.

 Nỗi lo từ Lách Ló
Một căn nhà mới ở buôn Lách Ló dựng trên đất rừng trước đây thuộc khu bảo tồn Nam Ka - Ảnh: Trung Chuyên

Theo ông Y Win, vì ở biệt lập nên việc học hành của con em trong buôn chịu nhiều thiệt thòi. Trong buôn có một điểm trường cho lớp 1 và lớp 2, còn từ lớp 3 trở lên học sinh phải lội bộ hoặc ra trọ học tận trung tâm xã. Phần lớn trẻ chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ ở nhà làm rẫy. Buôn cũng không có trạm xá, ai đau ốm nặng phải nhờ người cáng hoặc chở xe máy lội hơn chục cây số ra trạm xá xã, rồi mới đi bệnh viện tuyến trên.

Nghe hỏi vì sao người dân trong buôn không ra định cư gần trung tâm xã theo vận động của chính quyền, Y Win lắc đầu: “Bà con Lách Ló sống quen ở đây bao đời nay rồi nên mấy năm nay không ai chịu di dời, dù điều kiện ngoài kia tốt hơn”.

Dự án gây nhiều băn khoăn

Chính vì lý do nhiều lần vận động di dời buôn không thành nên từ năm 2010, tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý phê duyệt dự án định canh, định cư cho buôn Lách Ló; thu hồi 137 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka để giao cho UBND H.Lắk triển khai dự án. Vốn đầu tư thực hiện dự án là 53,7 tỉ đồng; trong đó, đầu tư gần 11 km đường giao thông xấp xỉ 27 tỉ đồng, công trình thủy lợi 17,5 tỉ, công trình điện hơn 5 tỉ đồng…
Có không ít băn khoăn ngay từ khi dự án này được phê duyệt, nhất là suất đầu tư quá cao so với mức đầu tư chung của các dự án định canh định cư nhưng hiệu quả đem lại chưa rõ ràng. Tính ra, với tổng kinh phí gần 54 ti đồng đầu tư cho hạ tầng của buôn Lách Ló chỉ có 44 hộ thì bình quân mỗi hộ được đầu tư đến 1,2 tỉ đồng. Mặt khác, việc “mặc định” một khu dân cư ngay trong vùng lõi rừng đặc dụng được bảo tồn nghiêm ngặt cũng đem lại lo ngại cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, cho rằng: “Việc dự án mở đường đi qua rừng đặc dụng và quy hoạch khu dân cư sinh sống ngay trong vùng lõi khu bảo tồn sẽ có tác động nhất định đến môi trường và tài nguyên rừng. Đường giao thông được nâng cấp thì thuận lợi đi lại cho người dân nhưng không tránh khỏi việc lâm tặc lợi dụng xâm nhập khu bảo tồn, điều này cũng gây sức ép khá lớn đến hoạt động bảo vệ rừng”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, cũng thừa nhận ban đầu việc lập dự án gây nhiều lo lắng đến công tác bảo tồn rừng đặc dụng Nam Ka. Tuy nhiên, do dự án đã được tỉnh phê duyệt và triển khai nên Chi cục chỉ đạo đơn vị quản lý rừng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, hạn chế hành vi tác động tiêu cực đến rừng. “Trước mắt, Chi cục Lâm nghiệp thống nhất quy hoạch chuyển phân khu hành chính dịch vụ của Khu bảo tồn Nam Ka cách đó 10 km vào ở hẳn trong buôn Lách Ló để triển khai các hoạt động bảo tồn loài, nguồn gien của rừng đặc dụng, giao khoán rừng cho dân. Quá trình thực hiện dự án nếu nảy sinh những vấn đề bất hợp lý, ảnh hưởng công tác bảo tồn thì Chi cục sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh”, ông Hưng cho biết.

Trung Chuyên

>> Trồng rừng giữa rừng Việt Bắc
>> Cây rừng về phố
>> Rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng
>> Kỳ tích giữ rừng: Đời người giữ rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.