Nỗi lo từ máy bay không người lái Trung Quốc

Thanh Lương
Thanh Lương
23/11/2020 00:00 GMT+7

Các công ty sản xuất máy bay không người lái từ Trung Quốc đang vấp phải làn sóng “tẩy chay” tại Mỹ và Nhật Bản vì những lo ngại an ninh và nguy cơ đánh cắp dữ liệu.

Mới đây, tờ Nikkei Asian đưa tin trong năm tài khóa mới, Nhật Bản sẽ áp dụng những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về thiết bị bay không người lái (drone) dùng trong lĩnh vực quốc phòng và hạ tầng do những lo ngại về an toàn dữ liệu. Mặc dù phía Nhật không nêu đích danh quốc gia hay nhà sản xuất nào sẽ bị loại trừ, nhưng nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ loại bỏ hoàn toàn các loại drone được mua từ Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Bộ Nội vụ Mỹ cũng đề xuất cấm gần 1.000 drone dân sự có nguồn gốc Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ gián điệp và an toàn thông tin. Trong khi trước đó, quân đội nước này đã ngừng sử dụng drone từ các nhà cung cấp Trung Quốc cũng vì lý do tương tự.

Chiếm lĩnh thị trường

Dù vấp phải nhiều nghi ngại, nhưng các nhà sản xuất drone của Trung Quốc đang kiểm soát 70 - 80% thị trường toàn cầu.

DJI đưa “đường lưỡi bò” vào ứng dụng

Nỗi lo từ máy bay không người lái Trung Quốc

Nhiều người dùng Việt Nam phẫn nộ vì DJI Fly có “đường lưỡi bò”

Ảnh: Chụp màn hình ứng dụng

Đầu tháng 11, tại thị trường Việt Nam, người dùng ứng dụng điều khiển bay DJI Fly của DJI phát hiện công ty này cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp vào phần bản đồ trên ứng dụng. Điều này khiến lời giải thích hoàn toàn không có liên hệ với chính phủ Trung Quốc trước đây của DJI trở nên đáng ngờ.
Ứng dụng DJI Fly có mặt trên cả hai kho ứng dụng Google Play Store và AppStore. Đây là ứng dụng điều khiển bay bắt buộc của hai dòng drone nhỏ gọn là DJI Mavic Mini, DJI Mavic Air 2 - được dùng rất phổ biến tại Việt Nam.
Tính đến hôm 22.11, ứng dụng DJI Fly trên Google Play và AppStore đều lần lượt có hơn 1 triệu lượt tải. Nhiều người dùng Việt Nam đã bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ một cách đầy tinh vi của DJI. Sau đó, “đường lưỡi bò” được gỡ bỏ khỏi ứng dụng, nhưng DJI chưa đưa ra bình luận hay lời xin lỗi chính thức về vụ việc.
Theo báo cáo Phân tích và xếp hạng các nhà sản xuất drone toàn cầu năm 2020 được chuyên trang Drone Industry Insights đăng tải hồi tháng 10, Trung Quốc có 7 trong số 20 công ty sản xuất drone thương mại hàng đầu thế giới. Trong đó, hai vị trí đầu tiên lần lượt thuộc về Da Jiang Technology - DJI (trụ sở tại Thâm Quyến) và Yuneec International (trụ sở tại Giang Tô).
Trong khi DJI đang là công ty sản xuất drone thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 80% thị phần toàn cầu thì Yuneec International là nhà cung cấp hai trong số các dòng drone bán chạy nhất là H520 và Typhoon H.
Còn theo một báo cáo khác được chuyên trang này đăng tải hồi tháng 9, quy mô thị trường drone toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 42,8 tỉ USD vào năm 2025, trong đó châu Á sẽ là thị trường tâm điểm của thế giới với 2 quốc gia dẫn đầu lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh, an toàn dữ liệu

Tờ Nikkei Asia gần đây đưa ra nhận định các sản phẩm drone của Trung Quốc chiếm ưu thế nhờ giá cả phải chăng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và an toàn dữ liệu.
Báo The New York Time trong một bài viết hồi tháng 7 cho hay lỗ hổng an ninh trên ứng dụng điều khiển bay của Hãng DJI có thể cho phép hacker truy cập vào hệ thống và thu thập thông tin dựa vào hình ảnh quay được của người dùng.
Tờ báo này dẫn báo cáo từ nghiên cứu của hai công ty bảo mật Grimm (Mỹ) và Synack Activ (Pháp) cho hay ứng dụng GO 4 của DJI khi chạy trên hệ điều hành Android có thể cập nhật tự động, vượt qua vòng kiểm soát của Google Play Store hoặc sự đồng ý của người sử dụng để xâm nhập trái phép vào dữ liệu của họ. Điều này vi phạm nghiêm trọng điều khoản dành cho nhà phát triển ứng dụng Android của Google.
Nghiên cứu trên còn phát hiện ứng dụng của DJI đã tự ý thu thập những thông tin như IMSI, IMEI số serial SIM... của người sử dụng trong khi họ không hề biết. Ngoài ra, ứng dụng trên còn có cơ chế tránh bị phát hiện hành vi thu thập dữ liệu.
Báo cáo của Synack Activ có đoạn: “Ứng dụng GO 4 của DJI yêu cầu rất nhiều quyền truy cập như danh bạ, micro, camera, vị trí, lưu trữ, các thay đổi về kết nối mạng... Do đó, máy chủ DJI hoặc Weibo có thể kiểm soát gần như toàn bộ điện thoại thông minh của người dùng”. Trong khi đó, Công ty bảo mật Grimm cho hay tính đến nay, lỗ hổng an ninh này chỉ mới được phát hiện trên các điện thoại Android.
Phản hồi thông tin trên, đại diện DJI cho biết một số người dùng có thể đã không tải ứng dụng của họ từ Google Play Store mà từ các kho ứng dụng của bên thứ ba. Điều này làm tăng nguy cơ ứng dụng bị chỉnh sửa mà DJI không hề biết.
Ngoài ra, đại diện của DJI cũng khẳng định với The New York Times hiện chưa có bằng chứng nào xác thực việc công ty này đã đánh cắp thông tin người dùng và chuyển về cho chính phủ Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.