Nỗi lòng buôn làng trong phố

Quang Viên
Quang Viên
07/07/2018 07:15 GMT+7

Nằm ngay trong lòng TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), buôn Ako Dhong được rất nhiều người dành cho những lời “có cánh”.

Nhưng đến đây để khám phá, rồi lắng nghe già làng, trưởng buôn và người con của cố già làng huyền thoại Ama H’rin trải lòng... mới thấy Ako Dhong còn trĩu nặng nỗi lòng.
Nhà lưu niệm già làng Ama H'rin Ảnh: Quang viên
Nỗi sầu Cô Thôn
Quen cuộc sống ồn ào náo nhiệt đất Sài Gòn, lên Ban Mê tôi thèm một góc trời bình yên. Còn gì bằng tìm về Ako Dhong, buôn làng ngay trong lòng TP mà người Kinh đặt cho cái tên dễ nhớ và đáng yêu Cô Thôn. Cái nắng vàng trong chiều muộn của vùng đất Tây nguyên này đầy mê hoặc càng khiến tôi háo hức đi tìm. Từ đường Hai Bà Trưng, rẽ hướng bắc, theo đường Trần Nhật Duật chỉ vài cây số là đến được buôn của cố già làng huyền thoại Ama H’rin.
Cổng, rào làm mất đi vẻ thân thiện vốn có của buôn
Ako Dhong đây rồi. Một chiếc cổng chào rất bề thế nhưng có vẻ không phù hợp lắm cho cái buôn làng bình yên và “dịu dàng” này. Và nữa, ngay cổng vào có một đoạn đường nhựa chỉ chừng 100 m dẫn vào buôn đầy ổ gà nhưng chẳng hiểu sao địa phương tiếc tiền không tu sửa. Lại còn án ngữ ngay đầu buôn là nhà hàng, khách sạn Yang Sing lớn phá vỡ không gian, cảnh quan thơ mộng và rất đỗi khiêm nhường của buôn làng. Nhưng sự khó chịu ban đầu của tôi nhanh chóng được xoa dịu bởi khung cảnh bình yên của Cô Thôn. Tôi cuốc bộ trên con đường quanh co rồi ngẩn ngơ trước sự ngăn nắp, xanh và sạch của buôn. Hai bên đường là những hàng rào cây xanh, khóm hoa, thảm cỏ được chăm chút cẩn thận. Về sự xanh, sạch, Ako Dhong “ăn đứt” nhiều khu phố người Kinh sống trong TP. Ako Dhong không hổ danh là buôn giàu đẹp nhất của Tây nguyên. Bên trong hàng rào mỗi nhà là những nhà dài đặc trưng của dân tộc Ê đê khiêm nhường nép mình cạnh những ngôi nhà bê tông cốt thép trông rất hoành tráng. Sự giàu có còn “biểu thị” bằng những chiếc ô tô đời mới mà không ít chủ nhân người Ê đê tậu được. Nhưng trong mắt tôi, những ngôi nhà bê tông bề thế, những chiếc xế hộp đời mới kia đã khiến Cô Thôn không còn hồn vía đặc trưng của buôn làng. Giá như Ako Dhong chỉ có nhà dài thôi và sự giàu có đừng phô diễn như thế thì sẽ dễ thương biết mấy.
Nhiều nhà ngói bê tông mọc lên ngay cạnh nhà sàn truyền thống
Khám phá Cô Thôn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, dễ thường vẫn xem buôn cuối cùng của vạt rừng xanh còn may mắn sót lại bên trong TP.Buôn Ma Thuột này bình yên và đáng yêu. Nhưng không, Ako Dhong đâu còn bình yên vốn có nữa. Nhức nhối nhất là câu chuyện làm du lịch nơi đây. Nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, quán xá, dịch vụ giải trí… mọc lên với đủ loại hình, nhưng lại thiếu định hướng và yếu kém trong quản lý khiến Ako Dhong trở nên bất ổn. Nghe nói, đã từng có trận hỗn chiến giữa hai băng nhóm thuê nhà trọ dẫn đến án mạng khiến dân làng một phen khiếp vía. Tôi đi sâu hơn nữa vào buôn, đến bến nước Ako Dhong, nơi bắt nguồn của nhiều con suối như: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Nuôl để tìm hiểu thì “nỗi sầu Cô Thôn” lớn hơn. Bến nước, từng là nơi rất hữu tình và thiêng liêng đối với người Ê đê giờ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vạt rừng già hoang sơ nay trở thành điểm ăn chơi, giải trí.
Nước mắt già làng
Bây giờ có tiền mà không có thần. Những điều thiêng liêng của buôn làng dường như đã mất
Già làng Ama H’ben
Với cảm giác hụt hẫng, tôi tìm gặp trưởng buôn Y Jun Niê Bing. Anh trưởng buôn trẻ đưa tôi sang già làng Ama H’ben - người thừa kế cố già làng huyền thoại Ama H’rin. Theo già làng Ama H’ben, buôn Ako Dhong do Ama H’rin, tên thật là Y Diêm Niê, sinh ở buôn Ea Mlai, thuộc cao nguyên M’Drăk, thành lập. Lúc đầu, buôn chỉ có 6 nhà sàn dài, trong đó có nhà dài chung là nơi sinh sống của 40 người. Ama H’rin là huyền thoại của buôn làng. Chính cố già làng này là người rất quyết liệt trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người Ê đê trước sự can thiệp của cuộc sống hiện đại, cơ chế thị trường. Có một quy định bất di bất dịch mà già làng Ama H’rin đặt ra là nhà nào cũng phải giữ cho bằng được một nhà sàn. Ai giàu có muốn xây nhà bê tông thì cũng phải lùi lại phía sau nhà sàn. Ông cũng quyết tâm bảo vệ những giá trị văn hóa phi vật thể của người Ê đê như các lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới, cúng bến nước...
Nhưng than ôi! Người đàn ông được coi là “lãnh tụ tối cao” đầy quyền lực của buôn làng Ê đê cũng có nhiều chuyện phải bất lực đứng nhìn và rơi nước mắt. Bác sĩ Y B’liu - con trai của già làng Ama H’rin - ngậm ngùi tâm sự: “Cha tôi nhiều lần khóc vì không giữ được một cách nguyên vẹn nền văn hóa của dân tộc mình. Sự can thiệp của đời sống hiện đại và những người làm du lịch đã phá vỡ đi không gian và nếp sống truyền thống của buôn làng. Những hoạt động lễ hội cũng biến tướng, không còn đúng bản sắc”. Tôi hỏi, bây giờ lễ cúng bến nước truyền thống có còn không? Bác sĩ Y B’liu buồn rầu trả lời: “Bây giờ bến nước thiêng liêng như ngày xưa có còn đâu. Người ta chiếm chỗ để làm du lịch rồi. Ngày xưa bến nước là nơi buôn làng lũ lượt kéo nhau ra đó trong ngày lễ cúng bến nước và lấy nước sinh hoạt mỗi ngày. Nhưng nay, thì tại bến nguồn nước ô nhiễm nặng cộng thêm các hoạt động du lịch bát nháo làm cho buôn làng buồn mà không biết kêu ai”. Anh còn cho biết thêm buôn làng muốn có một nhà sàn truyền thống được làm bằng gỗ để buôn làng sinh hoạt chung, nhưng nhiều lần kiến nghị mà chính quyền địa phương cũng không giải quyết. “Giàng ơi! Tại sao một số trụ sở to lớn trong tỉnh dùng rất nhiều gỗ thì được, mà nguyện vọng chỉ làm ngôi nhà sàn gỗ để giữ đúng bản sắc văn hóa của đồng bào Ê đê lại không được duyệt?”, Y B’liu thắc mắc.
Nhà sàn trong buôn giờ cũng đã bê tông hóa một phần
Cùng tâm trạng trĩu nặng, già làng Ama H’ben nói: “Bây giờ có tiền mà không có thần. Những điều thiêng liêng của buôn làng dường như đã mất”. Khi tôi hỏi Y Jun về an ninh trật tự của buôn, anh cũng ngao ngán lắc đầu. Anh bảo, ngày xưa không có nhà nào xây hàng rào, xây cổng, xe máy có thể để ngoài đường cả đêm. Nhưng giờ, không có cổng, có rào và xe máy để ngoài đường là có thể tài sản không cánh mà bay. Anh cũng cho biết thêm, trước đây khách đến nhà nào cũng niềm nở tiếp đón, họ được mời cơm, uống rượu cần… Nhưng giờ thì dân làng luôn phải cảnh giác và không còn tiếp đón “hồn nhiên” nữa.
Chia tay già làng Ama H’ben, trưởng buôn Y Jun, bác sĩ Y B’liu bước ra khỏi buôn rồi mà tôi cứ trĩu nặng nỗi lòng với Ako Dhong!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.