Giữa rừng Yok Đôn: Buôn làng nơi lõi rừng

Trác Rin
Trác Rin
17/06/2018 10:00 GMT+7

Đrăng Phốk (xã Krông Na, H.Buôn Đôn) là buôn làng duy nhất tồn tại giữa lõi rừng Yok Đôn. Hầu hết đồng bào Ê Đê và M’Nông sinh sống ở đây đều khó khăn...

Anh Y’Nô Hwing, 45 tuổi, trưởng buôn Đrăng Phốk, cho biết buôn có 124 hộ dân, trong đó 79 hộ nghèo, 64 hộ không nương rẫy. Số người không có rẫy đi làm thuê làm mướn. Số khác đi rừng hái phong lan, đốt tổ ong, đánh cá dưới dòng Sêrêpốk... và không tránh khỏi tình trạng chặt phá, trộm gỗ rừng về bán.
Không rẫy, không việc làm
Gia đình bà H’Phơi, 58 tuổi, là một trong những hộ như vậy. Căn nhà sàn bằng gỗ của gia đình H’Phơi xiêu vẹo vì mục. Chồng bà chết cách đây 14 năm vì nhiễm trùng vết thương ở bàn chân. Lúc còn sống, chồng H’Phơi được xem là con rái cá ở buôn làng, suốt ngày ngang dọc dòng Sêrêpốk quăng chài bắt tôm cá. Cuộc sống của vợ chồng gắn với sông nước, không khai hoang nương rẫy nên không tấc đất cắm dùi. Đến giờ vẫn vậy, một mình bà gồng gánh nuôi 13 đứa con.
Ông Y’Lan (50 tuổi) đang buộc lưỡi câu, tối đến ông đi cắm câu kiếm cá lăng, cá chình về bán
Anh Y’Nga, 30 tuổi, con bà H’Phơi hằng ngày vào rừng hái phong lan, tìm trái cục (nhựa của cây dầu tiết ra, dùng để vá ghe thuyền - PV) sống qua ngày. “Phong lan loại nhỏ mình bán 250.000 đồng/kg, loại to 350.000 đồng/kg. Không có ruộng rẫy nên mình đi rừng kiếm tiền mua vài ký gạo ăn hằng ngày thôi”, anh Y’Nga nói.
Cách nhà mẹ con Y’Nga vài trăm mét là túp lều nhỏ của vợ chồng chị H’Phượng, 32 tuổi, dân tộc Ê Đê. Quá trưa nhưng H’Phượng vẫn đang ngồi võng, mắt nhìn đăm chiêu ra cánh rừng bạt ngàn. Chị nói: “Ở trong buôn không có việc làm. Nhà mình lại không có rẫy nên đâu biết làm gì. Y’Hoang, chồng mình qua nhà hàng xóm coi ti vi rồi, đợi tí chồng về có đi rừng thì mình theo”. Vợ chồng H’Phượng có hai con. Cha mẹ chị sống ở buôn Đrăng Phốk mấy chục năm nay. Lúc trước, cha mẹ chị có rẫy nhưng đã bán cho người ta, giờ không còn gì để chia cho con cái.
Nhà H’Phượng thuộc diện hộ nghèo, từng được đoàn từ thiện cho bò giống. Nuôi lớn, bò đẻ mấy lứa nhưng bê con mới sinh đã chết. Chị tính bán mua con khác nhưng thương lái ép giá khi biết sự tình. “Giờ mình đưa cho hộ khác nuôi. Mấy năm nữa họ trả lại bò con, hiện tại chưa đủ năm lấy bò. Người ta không biết cứ bảo mình không chịu làm ăn, bán bò lấy tiền tiêu xài”, người phụ nữ có nước da đen nhánh trần tình.
Nói về đời sống bà con, Y’Nô đầy tâm tư: “Thật ra nhiều người không chịu làm lụng. Suốt ngày họ rượu chè đến say xỉn. Mình khuyên hoài nhưng ít ai chịu nghe lắm. Buôn Đrăng Phốk mình còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng nếu chịu khó, sẽ không lo thiếu cái ăn...”.
Gia đình Y’Phút (45 tuổi) có tiếng siêng năng ở buôn Đrăng Phốk, căn nhà sàn khang trang là minh chứng rõ nhất
Chịu khó sẽ có ăn
Trong buôn Đrăng Phốk cũng có hộ có của ăn của để. Điển hình là vợ chồng anh Y’Phút, 45 tuổi, dân tộc M’Nông. Cả hai có tiếng siêng năng, chịu khó làm ăn ở buôn. Ngoài đàn bò gần 20 con, vợ chồng Y’Phút còn trồng hơn 4 ha điều. Đêm đêm, Y’Phút vẫn đi xa tít các khe suối ít người biết để đặt đơm bắt cá.
“Vợ chồng mình đẻ hai đứa. Ban ngày chồng đi chăn bò, coi ngó rẫy điều, lượm phân bò bán 30.000 đồng/bao cho người ta bón cây. Ban đêm chồng đi đặt đơm, cá bữa nhiều đem bán, ít để ăn cơm”, vợ Y’Phút góp chuyện. Căn nhà sàn rộng hàng chục mét vuông với nhiều bao lúa dự trữ đủ để cả gia đình Y’Phút êm ấm.
Nằm chênh vênh trên ngọn đồi dọc dòng Sêrêpốk là căn chòi của ông Y’Lan, 50 tuổi. Trước đây, ông nuôi một chú voi làm du lịch ở Buôn Đôn. Ba năm trước, voi nhà ông chết vì quá già. Mất kế sinh nhai, ông ở hẳn trong rừng Yok Đôn dựng chòi ăn ngủ ở đó để trông coi rẫy mì. “Lúc có voi, tiền bạc mình khỏi lo, khách du lịch chuộng lắm. Hàng chục năm trước mình cũng đi lấy gỗ ở Yok Đôn rồi để voi kéo về. Giờ thì cấm hết rồi. Mình ở đây canh rẫy, tối chèo thuyền đi cắm câu kiếm ít ký cá lăng, cá chình. Cá lăng giá hơn 200.000 đồng/kg. Cá chình giá 500.000 đồng/kg. Cây mì thu hoạch mình bán theo từng bó giá 35.000 đồng/bó để người ta làm cây giống”, Y’Lan nói.
Trưởng buôn Y’Nô Hwing cũng siêng năng không kém. Ghé thăm nhà anh một tối mưa tầm tã nhưng Y’Nô vẫn miệt mài vót tre, làm đơm. Y’Nô sinh 3 đứa con. Đứa lớn ở trọ ngoài huyện Buôn Đôn, chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12. “Mình lo cho tụi nhỏ đi học ngoài huyện mỗi tháng tốn vài triệu rồi. Vậy nên phải cố làm lụng, ngoài trồng mía trồng mì, mình đi chăn bò và đặt đơm ở sông Sêrêpốk nữa”, anh nói. Bình quân mỗi ngày Y’Nô kiếm được 100.000 - 200.000 đồng tiền bán cá.
Cạn kiệt nguồn cá
Hiện tại, đánh cá kiếm miếng ăn cũng khó vì cá ở sông Sêrêpốk đã giảm đáng kể. Theo kiểm lâm Hoàng Ngô Sơn, 60 tuổi, người đã gắn bó 30 năm với buôn Đrăng Phốk, những năm trước, cá ở đây rất đa dạng. Cá móng trâu, cá lăng, cá chình... thịt ngon, giá cao nhưng giờ không còn nhiều. “Giờ họ lén dùng xung điện tận diệt cá nhiều lắm. Chưa kể rừng bị tàn phá thì dòng chảy sông Sêrêpốk cũng bị ảnh hưởng, từ đó tôm cá cạn kiệt là hiển nhiên thôi”, ông Sơn nói.
“Dụ” dân đi họp
Mỗi năm, kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn thực hiện 20 - 30 cuộc họp dân trong các buôn làng để tuyên truyền điều luật, quy định và sự quan trọng của rừng với đời sống bà con. Những hình ảnh về rừng được mở bằng máy chiếu đầy sinh động nhưng… không ai chịu đi. Sau đó, kiểm lâm “dụ” dân đi họp bằng cách: “ai tham dự sẽ được một phần quà gồm nước ngọt, mì tôm, bột ngọt”. Từ đó, số người đi họp tăng đáng kể, nhận thức của bà con cũng dần được cải thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.