Rắc rối vì đâu?
Trong đơn trình bày, Thanh cho biết: Trước đây cha mẹ và ông bà ngoại của cô đều là người Việt Nam nhưng sinh sống tại Campuchia và hồi hương từ năm 1972. Do cuộc sống khó khăn nên ông bà ngoại và cha mẹ của cô hay qua lại biên giới Campuchia để làm ăn, mua bán. Thanh sinh ra tại Campuchia vào năm 1987. Một tháng sau, cha mẹ đưa cô về cho người dì ruột nuôi dưỡng tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Sau đó, mẹ Thanh cũng chết tại Campuchia. Người dì có làm khai sinh quá hạn cho Thanh tại UBND xã, và đăng ký tạm trú cho cô tại công an xã từ năm 2000. Nhưng vì tên Thanh trùng với tên của một người dì khác nên đăng ký tạm trú với tên Nguyễn Thị Thanh Trúc. Cuối năm 2005, Công an xã Tân Thông Hội lấy lý do không có nguồn gốc nên đã thu hồi giấy đăng ký tạm trú của Thanh.
Trong hồ sơ gửi Báo Thanh Niên, cô kèm theo một giấy khai sinh mang tên Nguyễn Thị Thanh, mục quốc tịch ghi: Việt Nam; mục tên cha: Nguyễn Văn Thành (cha dượng, cha ruột đã chết), quốc tịch của cha: Việt Nam; tên mẹ: Nguyễn Thị Thúy Hồng, quốc tịch của mẹ: Việt Nam.
Hiện nay, Thanh đang làm công nhân cho một công ty sản xuất thực phẩm (KCN Phú Tân, xã Phú Trung, H.Củ Chi). Vì không làm được chứng minh nhân dân nên cô phải mượn giấy tờ của người khác để đi làm. Thanh cho biết thời gian qua cũng có quen bạn trai và chuẩn bị tiến tới hôn nhân nhưng khi được biết Thanh không có giấy tờ tùy thân, người đó đã bỏ mặc và không quan tâm nữa: “Em thấy mình bị thiệt thòi rất nhiều và rất lo cho tương lai”.
Quốc tịch nào?
Trình bày với PV Thanh Niên, Thanh cho biết: cô phân vân không biết có nên làm đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam không? Cô muốn làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú nhưng không biết bắt đầu từ đâu, bởi hộ khẩu tạm trú đã bị thu hồi.
Trả lời về trường hợp này, ông Hoàng Minh Chiến - Phó trưởng cơ quan đại diện phía Nam Bộ Tư pháp - cho biết: Trường hợp của cô Nguyễn Thị Thanh đương nhiên là công dân Việt Nam. Vì trong giấy khai sinh đã xác định Thanh thuộc quốc tịch Việt Nam. Do vậy, cô được hưởng mọi quyền lợi của một công dân Việt Nam. Việc công an xã thu hồi đăng ký tạm trú của cô vì lý do không có gốc là không đúng, mà phải hướng dẫn cho đương sự đăng ký hộ khẩu phải đúng với tên đã ghi trong giấy khai sinh. Còn việc Thanh muốn cải chính tên trong khai sinh thì thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.
Theo Luật Cư trú của Việt Nam, đăng ký tạm trú chỉ bị xóa trong những trường hợp: người đăng ký tạm trú chết, mất tích hoặc không cư trú tại xã, phường đó từ sáu tháng trở lên. Trường hợp của Nguyễn Thị Thanh từ khi cha mẹ đem cô về cho người dì ruột nuôi đến nay, Thanh vẫn cư trú tại địa phương. Chúng tôi đề nghị Công an xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi phục hồi lại hộ khẩu tạm trú cho chị Nguyễn Thị Thanh để giúp chị thực hiện quyền công dân của mình.
Hoàng Tạo
Bình luận (0)