Nỗi lòng của những nhân tượng ở phố đi bộ

12/07/2023 19:33 GMT+7

Những nhân tượng (người đóng giả làm tượng) ở các phố đi bộ, thu hút sự chú ý của nhiều người bởi cách tạo hình lạ mắt và tư thế bất động. Tuy nhiên, họ cũng trải qua nhiều câu chuyện buồn lòng vì sự tò mò, đùa cợt thái quá của các vị khách khiếm nhã.

Đừng quên "tượng" cũng biết khóc

Nhân tượng là hình ảnh quen thuộc trên các tuyến phố đi bộ, công viên vào ban đêm. Tại TP.Huế (Thừa Thiên – Huế), họ tập trung biểu diễn chủ yếu tại con đường đi bộ cầu Gỗ Lim dọc bờ sông Hương.

Các nhân tượng phủ lên người một lớp bột nhũ màu vàng hoặc ánh bạc kim, tạo hình lạ mắt và tư thế bất động hàng giờ… Ngoài nhận được sự ủng hộ của người qua lại, cách diễn giống thật đến mức khiến người xem tò mò, đôi khi sẽ bị bị đụng chạm vào cơ thể để kiểm chứng. Một số khác còn chịu đựng sự đùa cợt khiếm nhã.

Nỗi lòng của những nhân tượng ở phố đi bộ: Có người bị trêu đến… khóc - Ảnh 1.

Chị Boong bị người lạ quấy rối khi làm nhân tượng ở phố đi bộ cầu Gỗ Lim

LÊ HOÀI NHÂN

Đơn cử, hơn 1 tuần qua, mạng xã hội hướng sự quan tâm đến câu chuyện của chị Hồ Thị Boong (30 tuổi, quê xã A Bung, H.Đakrông, Quảng Trị). Chị Boong bị một người đàn ông lạ mặt liên tục đụng chạm vào cơ thể, quấy rối khi đang biểu diễn tượng tại cầu Gỗ Lim.

Theo lời kể từ chủ nhân câu chuyện, khoảng 8 giờ ngày 1.7, trong lúc chị đang diễn tượng thì bị một người đàn ông lạ mặt bất ngờ nhéo mạnh vào tay. Tuy đau, nhưng vì công việc, chị bình tĩnh trấn an để tiếp tục diễn bất động. Vài phút sau, người này quay lại, tiếp tục nhéo mạnh vào tay nữ nhân tượng. Đỉnh điểm, lần thứ 3, khi chị Boong đang nói chuyện với du khách người đàn ông này giả vờ xin bắt tay chị để có hành động khiếm nhã, đụng chạm cơ thể.

Nỗi lòng của những nhân tượng ở phố đi bộ: Có người bị trêu đến… khóc - Ảnh 2.

Chị Boong kể lại câu chuyện bị quấy rối với PV Thanh Niên

LÊ HOÀI NHÂN

Theo chị Boong, sự việc chỉ diễn ra thoáng chốc, người này cũng nhanh chóng bỏ đi, tuy nhiên đã khiến chị cùng cùng bất ngờ và bật khóc vì sợ hãi. Câu chuyện sau đó được chị kể lại trên mạng xã hội, nhận sự quan tâm lớn từ mọi người. Nhiều tài khoản còn tức tốc tạo ra các trang, nhóm để "truy tìm" người đàn ông xấu tính này, đòi lại sự công bằng cho nữ nhân tượng.

Lo lắng với sự đùa cợt thái quá

Có mặt tại tuyến phố đi bộ cầu Gỗ Lim, chia sẻ với PV Thanh Niên, hầu hết các nhân tượng cho rằng đã từng nhiều lần bị người lạ đùa cợt, đụng chạm vào cơ thể khi đang biểu diễn.

"Tôi cũng từng nhiều lần bị người lạ quấy rối. Trong đó, lần mà tôi cảm thấy ám ảnh nhất là bị một người có vấn đề đến chạm vào người, phá phách. Lúc đó, tôi cũng có đôi chút lo lắng nhưng phải cố trấn an để tiếp tục công việc. Như sự việc của rồi của chị Boong, tôi cảm thấy rất bức xúc, hành động xấu xí của người đàn ông đó rất đáng lên án", anh Hà Hoàng Nhật, một nam nhân tượng kể lại.

Nỗi lòng của những nhân tượng ở phố đi bộ: Có người bị trêu đến… khóc - Ảnh 3.

Trong lúc diễn tượng ở khu vực phố đi bộ cầu Gỗ Lim, anh Nhật cũng nhiều lần bị người lạ quấy rối

LÊ HOÀI NHÂN

Đứng cách Nhật chỉ vài trăm mét, Hồ Thị Rêm (14 tuổi, quê xã Hồng Thủy, H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) vừa bắt đầu công việc diễn tượng kiếm sống tại tuyến phố này hơn 1 tháng nay.

Tạm "xả vai", cô gái này ngồi bệt xuống đất, hít một thời thật sâu, bình tĩnh kể: "Mới hôm qua đây em cũng bị một người đàn ông từ đằng sau đến đập mạnh vào vai, lúc đó em giật mình, sợ đến sắp rớt tim ra ngoài. Là người đồng bào thiểu số từ vùng núi về phố kiếm sống, gặp những chuyện như vậy khiến em càng lo lắng hơn".

Nỗi lòng của những nhân tượng ở phố đi bộ: Có người bị trêu đến… khóc - Ảnh 4.

Hồ Thị Rêm kể lại câu chuyện mình bị người lạ chạm vào người từ phía sau

LÊ HOÀI NHÂN

Đa phần, những người làm nghề nhân tượng tại tuyến phố đi bộ này đều đến từ các huyện miền núi như A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và Đakrông (Quảng Trị). Mỗi ngày họ bắt đầu công việc từ 18 giờ và kết thúc lúc 23 giờ tối, để kiếm khoảng 100.000 đồng trang trải cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.