Nỗi lòng kẻ bồi bàn

24/05/2006 21:09 GMT+7

Từ quán cơm bình dân đến nhà hàng sang trọng, đâu đâu cũng thấy sự có mặt của bồi bàn. Cứ ngỡ đó là công việc giản đơn, song mấy ai biết tiền kiếm được từ nghề bồi bàn cũng lắm gian truân…

Từ bồi bình dân...

Bồi bàn bình dân thường đầu quân cho những quán cơm bình dân, quán nhậu vỉa hè... Nếu đem so sánh với việc cuốc đất, nhặt cỏ nơi thôn quê thì công việc bồi bàn nhàn hơn nhiều, song lại đòi hỏi người làm việc này phải nhanh nhẹn và có sức chịu đựng cao. Thức giấc khi trời còn chưa rõ mặt người, cùng chủ lo dọn hàng ăn sáng, cứ thế bữa trưa, rồi bữa tối trôi qua, khoảng 11 giờ đêm, thậm chí tới tận 1 - 2 giờ sáng họ mới kết thúc một ngày làm việc. Mỗi quán ăn trên các đường phố: Đê La Thành, Giảng Võ, Cầu Giấy, Thanh Xuân... thường sử dụng ít nhất là ba bồi, nhìn chung các bồi đều có tuổi đời còn khá trẻ.

Tạt qua khu vực đường Đê La Thành, đã là 1 giờ 45 phút nhưng ở các quán kẻ vào người ra nhộn nhịp còn hơn cả ban ngày. Trang - cô bồi bàn - quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa), vừa tròn 20 tuổi, lên Hà Nội được đúng 3 năm. Có vẻ mặt hiền hậu, chất phác nơi thôn quê, Trang cho biết: "Bọn em được chủ về tận dưới quê liên hệ, xong xuôi đâu đấy họ để lại địa chỉ nhà hàng, hôm sau mỗi đứa một túi tự tìm ra bến xe, vậy mà cũng tìm được tới chỗ làm. Phục vụ tại đây từ năm 2003, nhìn chung bồi bàn như chúng em đều nhận mức lương 500 - 600 nghìn đồng/tháng, cơm nuôi ba bữa, ngủ tại cửa hàng. Gặp được chủ tốt, một năm họ cho hai bộ quần áo và thêm ít tiền tàu xe về quê ăn tết. Còn không may, gặp phải chủ keo kiệt thì có vỡ một cái đĩa họ cũng đè nghiến ra, ghi sổ nợ và trừ vào tiền lương tháng..."

...đến bồi cao cấp

Khác với những nhà hàng bình dân, bồi bàn làm việc trong những khách sạn hay nhà hàng sang trọng, đều có tuổi đời, trình độ học vấn cao hơn cũng như tay nghề phục được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp vượt trội. Trong số đó bồi là sinh viên các trường CĐ, ĐH chiếm một tỷ lệ không nhỏ, thậm chí có cả những cử nhân, kỹ sư mới tốt nghiệp ra trường do chưa xin được việc cũng ghi tên mình, tạm "tá túc" một thời gian với công việc mang tính thời vụ này.

Khâu tuyển dụng bồi phục vụ trong những nhà hàng cao cấp cũng khá khắt khe. Tiêu chuẩn ngoại hình được đẩy lên hàng đầu, trình độ tiếp tân được xếp hạng nhì. Nơi này đòi hỏi mỗi bồi bàn cần có sự tinh tế trong khâu phục vụ, do vậy trước thời điểm khai trương nhà hàng quãng dăm ba tháng, chủ quán đã cho thông báo tuyển bồi. Họ thuê hẳn một giáo viên đến hướng dẫn từ cách bố trí bát đĩa, cốc uống nước, ly uống rượu đến cả cách cầm bát đũa như thế nào, cầm chai rượu ra làm sao để khi rót phải lộ rõ phong cách lịch sự, cung kính đối với khách hàng. Việc đào tạo kéo dài 1 - 2 tháng. Trong thời gian học việc, bồi bàn được thực hành đầy đủ những kỹ năng cần có. Lương khởi điểm từ 600 - 800 trăm ngàn đồng, cơm ăn hai bữa, điều kiện lẫn thời gian làm việc của bồi cao cấp cũng "dễ thở" hơn đôi chút so với bồi bình dân. 9 giờ sáng, bồi bàn bắt đầu một ngày mới, với việc lau rửa cả chồng bát đĩa tồn đọng từ tối hôm trước, rồi phục vụ khách cho đến đầu giờ chiều mới được phép nghỉ xả hơi hai tiếng đồng hồ (từ 2 - 4 giờ chiều), nhưng với điều kiện không còn khách ngồi lại. Công việc của ngày thường kết thúc vào tầm 9 tới 10 giờ tối.

Và những câu chuyện buồn...

Phan Thùy Trang (Cẩm Phả, Quảng Ninh) vốn là hoa khôi của một trường đại học tại Hà Nội, Trang xin vào làm phục vụ bán thời gian (từ 4 giờ chiều tới 9 giờ tối) cho một nhà hàng ăn sang trọng trên đường Đặng Tiến Đông. Trong lần đứng bàn cho khách VIP, phần do cảm tình với cách ăn nói có duyên, thêm sự phục vụ tận tình chu đáo, khi đứng dậy ra về vị khách VIP nọ không quên dúi vào tay cô tờ bạc polyme có màu xanh nhạt. Trang chìa  bàn tay nhỏ nhắn, đầu hơi cúi tỏ thái độ cám ơn vị khách, cũng là lúc bốn đầu ngón tay ông nhằm gan lòng bàn tay cô mà vuốt vuốt ba bốn cái. Hành động kỳ quặc đó chính là câu hỏi "đối phương" có đồng ý "tham gia trận đấu tay đôi" với khách không. Là "lính mới", chẳng biết mô tê gì, thấy cử chỉ của ông khách ngồ ngộ, Trang cũng... làm y chang. Vị khách nháy mắt rồi thản nhiên nói: "Anh đợi em dưới xe". Khổ cho cô bé, khi ra về, gặp ông khách chờ sẵn ở cổng nhà hàng, chưa kịp cất tiếng chào đã bị lôi tuột vào xe. Rát cổ bỏng họng để thanh minh, lôi cả tờ polyme cầm chưa ấm ném giả, lão "dê già" mới chịu buông tha cho Trang.

Một trong những "chiêu thức" được nhiều nhà hàng ưa dùng: Khi mới đi vào hoạt động nhân viên quản lý cũng như chủ đều đưa ra những điều kiện đãi ngộ rất hợp lý để thu hút các bồi bàn giàu kinh nghiệm. Thế nhưng, khi được tuyển dụng, các anh bồi, chị bồi chờ mỏi cổ cũng chẳng nhận được những ưu đãi đó, hỏi ông chủ thì chỉ nhận được câu trả lời: chờ thêm một thời gian nữa!

Nguyễn Ngọc Ánh - cử nhân kế toán Trường ĐH Công đoàn đã rừng phục vụ cho quán ăn Hàn Quốc nằm trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tâm sự : "Ban đầu thấy nhà hàng đầu tư có bài bản mình thấy mừng, nhưng khi vào làm việc rồi mới biết, ông chủ cứ khất việc ký hợp đồng lao động, làm mãi cũng chẳng thấy tăng lương".  Trước ngày cưới, chị Ánh xin phép viên quản lý người Việt cho nghỉ một ngày, thì nhận ngay được câu trả lời: "Nhà hàng đang thiếu người, không nghỉ được, còn nếu cô muốn nghỉ thì xin nghỉ hẳn cho". Không nghĩ họ làm khó nhau như vậy, nhân lúc ông chủ nhà hàng người Hàn có mặt, Ánh phản ánh lại những gì người quản lý vừa nói, cũng là để đòi lại những quyền lợi bấy lâu không được hưởng. Ai ngờ ông chủ nói: "Bọn mày ngu như con chó, làm việc chểnh mảng, không tới nơi tới chốn, có tật làm trước quên sau hay đổ vỡ, phạt không cho nghỉ !" Thất vọng, tủi nhục, Ánh không sao ngăn nổi những giọt nước mang vị mặn lăn dài trên gò má.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.