Ở lại quê nhà với con thì thiếu ăn, đi xa mưu sinh thì “đứt ruột” vì nhớ thương con. Nhiều công nhân đã phải đối diện tình cảnh khó xử đó.
Hai đứa trẻ này được gửi cho người thân ở tỉnh Bình Thuận nuôi, còn cha mẹ các cháu đi làm công nhân tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
|
Trầm cảm vì nhớ con
Sau kỳ nghỉ tết, ngày 25.2, đôi vợ chồng Minh Nguyên và Thiên Sử (ngụ H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) sụt sùi trốn hai đứa con còn nhỏ dại để trở lên TP.HCM làm việc. Trước đó, đôi vợ chồng trẻ này đã phải nói dối đứa con gái gần 3 tuổi: “Ba mẹ đi cắt cỏ cho bò, chút nữa về với bé Mèo nhé”. Bé Mèo chơi một lúc, lại mếu máo hỏi bà nội: “Sao ba mẹ con đi cắt cỏ lâu quá vậy?”…
Ở TP.HCM gần một năm nay, anh Nguyên làm công nhân cho một công ty chuyên về điện tử tại Q.11, còn chị Sử làm trong xưởng nhựa tại Q.Bình Tân. Mỗi tháng, hai vợ chồng dè sẻn chi tiêu dành dụm được khoảng 3 - 4 triệu đồng. Dù rất nhớ con, nhưng chị Sử cố gắng làm lụng, dự định kiếm số vốn để sau này về quê lo cho con cái học hành cũng như tìm kế sinh nhai.
Ngược lại, anh Nguyên ngày càng có nguy cơ rơi vào trầm cảm, khó hòa nhập cuộc sống. Tuy thu nhập nhỉnh hơn vợ, điều kiện làm việc đỡ vất vả hơn nhưng ngày nào anh cũng rầu rĩ nhớ thương hai đứa con thơ ở quê. Anh luôn miệng than thở: “Cha mẹ một nơi, con một nẻo. Đời tôi sao bi đát”, hoặc: “Có nhà mà phải lê thân đi ở trọ, biết bao giờ mới đoàn tụ như ngày trước”. Có lúc anh lại trách móc bản thân: “Tui là kẻ bất tài, ở quê không lo được cho vợ con nên mới ra nông nỗi này”…
Không riêng vợ chồng anh Nguyên, rất nhiều cặp công nhân đang trong tình trạng “một cảnh hai quê”, thậm chí “một cảnh ba quê” (làm việc ở thành phố; chia con gửi bên nội, bên ngoại và các bên sống cách nhau hàng trăm cây số). Mới đây, chị Mỹ Hạnh (28 tuổi, công nhân giày da Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM) đành gửi đứa con gái mới 7 tháng tuổi cho gia đình chị ở Quảng Ngãi nuôi hộ. Còn con trai 8 tuổi mấy năm nay sống nhờ bên gia đình chồng chị ở tỉnh Bắc Ninh. Hiếm khi gặp nhau, đứa con trai kêu cha mẹ ruột của mình là “cô chú”, trong khi lại gọi ông bà nội là “bố mẹ”.
Nghĩ tới tương lai
Đồng cảm với những hoàn cảnh trên, chuyên viên tư vấn Hà Trung Thành (Phó giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ, thuộc Học viện Cán bộ TP.HCM) cho biết bản thân ông cũng có thời gian xa nhà xuống Cà Mau dạy học, rồi từng làm thuê làm mướn, bán báo… Ông tâm tình: “Nếu ở quê không có việc làm, không có tiền nuôi con thì bạn nên đi tìm kế sinh nhai. Một khi được trui rèn, vượt qua những thử thách chông gai, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, chúng ta sẽ thấy bản lĩnh của mình vững vàng hơn và cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
Theo ông Hà Trung Thành, điều quan trọng là phải có thái độ tích cực và tư duy mở để thích ứng cuộc sống. Bởi lẽ, cuộc sống chỉ thay đổi khi tư duy, thái độ của mình thay đổi. “Nói rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” thì hơi quá, nhưng nếu bố mẹ chịu khó tạo đà cho con mình phát triển thì rất nên làm. Hãy nghĩ đến tương lai tốt hơn của con cái và gia đình. Còn nếu bản thân luôn đặt ra những rào cản và ngồi đó than thở thì mãi mãi bạn sẽ không thể nào vượt qua được nghịch cảnh”, ông Thành chia sẻ.
Trước khi vợ chồng chị Sử - anh Nguyên lên đường trở vào TP.HCM làm việc, bà mẹ anh Nguyên (70 tuổi) nhắn nhủ: “Tuổi già sức yếu, cực chẳng đã mới phải nuôi cháu dại. Nhưng cực nhọc gì má cũng chịu được, miễn sao con, cháu có tương lai. Tụi bây trong đó ráng lên nghen”. Chẳng biết anh Nguyên nghĩ gì, chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt anh đỏ hoe...
Ý kiến:
Chỉ vì miếng cơm manh áo
Tôi đã phải gửi đứa con chưa đầy 1 tuổi cho mẹ tôi nuôi giùm. Nhiều lúc nghĩ đến cảnh con khát sữa, trong khi bầu vú mình căng nhức mà xót xa! Biết làm sao được, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo.
Lê Thị Hồng
(quê Ninh Thuận, ở trọ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) Muốn cho con học ở thành phố
Dù lương bổng còn thấp, vợ chồng tôi vẫn muốn dành dụm để sau này lo cho con cái ăn học. Theo tôi, nếu con mình được học hành, phát triển tại TP.HCM thì vẫn tốt hơn so với ở quê.
Nguyễn Ngọc Tranh
(quê Quảng Nam, ở trọ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) Sau vài năm sẽ về quê
Chúng tôi xác định chỉ đi làm ăn xa khoảng 3 - 5 năm, sau khi có chút tiền và kinh nghiệm sẽ trở về sống ở quê.
Hoàng Văn Tú
(quê Bạc Liêu, làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) |
Bình luận (0)