Nỗi niềm những chuyến đi xa

02/09/2006 17:15 GMT+7

Những chuyến công tác nước ngoài ngày càng trở nên quen thuộc hơn với nữ nhân viên công sở thời hội nhập. Đó là cơ hội để mở mang tầm nhìn, thu thập kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm và tăng vốn sống. Với các bạn gái trẻ này, đi cũng là chấp nhận để lại "không ít", trong đó có gia đình, bạn bè và những tình cảm riêng.

Học hỏi mọi lúc, mọi nơi

Thu Hằng, Giám đốc tài chính phòng tiếp thị thương mại & phân phối Công ty BAT, khẳng định thời gian làm việc tại Singapore đã cho chị thói quen làm việc cẩn trọng và suy nghĩ sâu sắc hơn hẳn so với trước đó. Hằng thổ lộ: "Lúc đầu mình cũng thấy run, nhưng cũng may sếp trực tiếp của mình là người Singapore rất quan tâm đến nhân viên và tạo điều kiện cho mình học hỏi rất nhiều. Mình trở nên tự tin và trưởng thành hơn từ sau chuyến công tác dài ngày đó".

Thúy T., nhân viên một công ty quảng cáo nước ngoài, lại có "bài học vỡ lòng" ở sân bay Thái Lan. Đó là lần đầu tiên cùng sếp đi giám sát quay quảng cáo ở Thái, trong lúc xếp hàng chờ lên máy bay, thấy có một khoảng trống khá xa giữa những người khách đứng ở phía trước, T. nhanh chân chạy lên "trám chỗ". Chỉ đến khi nhận được ánh mắt ngạc nhiên tột độ từ những người khách kia và lời nhắc nhở nhẹ nhàng của sếp, T. mới biết rằng đó là hành vi kém lịch sự.

Thanh P. (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết nhờ đi công tác nước ngoài thường xuyên nên cô học được nhiều điều, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà cả trong giao tiếp hằng ngày. P. kể, người Việt mình có tính xởi lởi, gặp người quen là tay bắt mặt mừng, hoặc đi cùng đoàn thì chuyện trò rôm rả, nhưng những điều ấy ở sân bay quốc tế lại ít nhiều làm phiền lòng người nước ngoài vốn quen ngồi đọc sách, nghe nhạc trong khi chờ đợi.

Giải bài toán của chính mình

Ngọc Tiên, 25 tuổi, đã có gần 1 năm làm việc tại Tô Châu (Trung Quốc) cho công ty Asia Base A/S. Tiên cho biết: "Rất khó để có thể đạt được sự chia sẻ tình cảm như khi ở nhà. Nhưng đã quyết định đi làm xa, thì cũng phải xác định là mình phải vượt qua và tìm ra cách để bù đắp những thiếu thốn của mình". Cô gái trẻ tìm đến blog để trút gửi những nhớ - thương - yêu - quý. Trang blog Fairy of Fate của Tiên tại Yahoo 360 và MSN Space khá thú vị với những bài cảm nhận sâu sắc về cuộc sống xung quanh.

Không chỉ có chiếc cầu kết nối tình cảm là blog, Tiên cũng "tận dụng" e-mail để tỉ tê với bạn bè thân hằng ngày về rất nhiều câu chuyện cô đã gặp, "Mail mình viết về nhà dài một chút, kể nhiều hơn một chút. Còn khi mình buồn hay stress thì tốt hơn hết là tìm một người bạn bên cạnh". Tiên có một anh bạn người Đan Mạch chơi khá thân, trao đổi và chia sẻ được nhiều điều trong những ngày ở xứ người. Bên cạnh đó, cô cũng chủ động tạo những mối quan hệ gần gũi với đồng nghiệp vừa để công việc chung luôn được thực hiện trôi chảy, và cũng để những ngày cuối tuần có bạn đi chơi.

Còn luật sư Thanh H. lại thường phải lên lịch cho công việc nội trợ trước mỗi lần đi công tác xa. H. luôn chuẩn bị một tủ lạnh đầy thức ăn để "bố con ở nhà chỉ việc lấy từng món mẹ đã "đóng gói" sẵn, nấu lên là có ngay một bữa ăn hoành tráng". Bù lại cho những chuyến đi liên miên ấy, vào chủ nhật (mà H. gọi là "Family day” - ngày của gia đình), giám đốc H. tắt điện thoại, chấm dứt mọi liên hệ công việc để hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ, cùng chồng và con đi chơi công viên, nhà sách... "Bí quyết của mình là luôn được chồng thông cảm và chia sẻ", H. trả lời khi được hỏi làm sao để giữ mái ấm mỗi lần phải đi công tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hậu phương ủng hộ hết mình để có điều kiện đi xa như H., vì cô bạn Thùy Vân, công tác tại một công ty kiểm toán, đã từng phải từ chối cơ hội làm việc 1 năm tại Mỹ vì người yêu "lấn cấn": "Anh không muốn xa em".

Lan Anh - Phương An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.