Những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, chị cùng anh qua nhà nội chơi. Năm nay không khí đại gia đình phấn khởi, vì có nhiều chuyện vui.
Thằng cháu con bác cả có học bổng toàn phần đi Nhật, cô út vừa lên chức lớn trong công ty, ông bà nội chuẩn bị cho chuyến du xuân ở trời Tây, tiện thể thăm cô thứ ba sống ở Pháp mới sinh con sau nhiều năm tưởng vô sinh. Những chuyện vui khiến gương mặt ai cũng tươi rói trong buổi họp mặt gia đình, duy chỉ có chị là cười gượng, thỉnh thoảng lại trầm tư, tâm trạng để đâu đâu. Đến nỗi mẹ anh phải nói nhỏ con trai đưa con dâu về nhà sớm vì “mẹ thấy hình như cô ấy bị mệt”.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Về nhà, anh trách chị sao mặt mũi bí xị như vậy. Có gì mà rầu rĩ? Rầu rĩ thế là mất lịch sự, là không tôn trọng mọi người bên nội và chẳng khác gì tỏ ra cho mọi người thấy mình không chia sẻ với gia đình. Nghe anh trách, chị im lặng. Thực sự, chị cũng khó nói ra những cảm nghĩ của mình. Nói ra anh có thông cảm không, hay lại vô tình “vạch áo cho người xem lưng”, để rồi chính anh đến lúc sẽ lấy chuyện buồn của chị ra mà so sánh, dè bỉu.
Chị buồn, bởi lẽ ngay hồi chiều, mẹ chị ngoài quê điện thoại vào sụt sịt, kể lể về ông anh cả của chị. Cờ bạc, rượu chè lâu nay, giờ lại thêm chuyện có người phụ nữ khác làm chị dâu chị đau khổ đến phát ốm. Thằng con trai lớn bỏ học nửa chừng, suốt ngày ăn chơi, gây gổ với người khác, thấy bố mẹ như vậy thì đến quậy phá nhà “tình địch” của mẹ, đốt cháy cả một phần nhà người ta, giờ đây phải đền bù thiệt hại mấy chục triệu, may không có ai thương vong gì. Thằng con út thì nghiện game lấy trộm cả tiền của bà nội. Chưa hết, gần đây chuyện nóng của cậu em út làm chị đau đầu. Cậu út cùng với vợ chơi hụi họ sao đó mà bây giờ đổ bể, bị người ta đến xiết nợ, công chuyện làm ăn cũng ảnh hưởng nặng nề… Chỉ có cô em kế chị làm giáo viên thì sống tạm ổn nhưng cũng không giàu có gì để chia sẻ gánh nặng với gia đình. Sáng, chị đã phải lén chồng gửi cho mẹ ít tiền. Rồi cũng lén chồng điện thoại cho cậu út bàn kế tính. Cậu út có ý định gửi vợ vào nhà chị một thời gian cho qua cơn lận đận… Mà “qua” thế nào đây? Chị thật khó để từ chối, trong khi chấp nhận chứa chấp cô em dâu thì cũng lo nhiều bề. Nhỡ bọn người đòi nợ tìm vào tận đây quậy phá…
Cho đến bây giờ, chị vẫn giấu anh những chuyện buồn của gia đình bên ngoại. Chị nghĩ rằng anh vẫn thấy ở quê mọi việc đều êm đềm, lâu lâu anh nhắc chị gửi ít tiền cho mẹ tiêu, đồ bổ để bà bồi dưỡng sức khỏe, hay quà cáp cho bác cả, cậu út, các cháu… Thỉnh thoảng có khách bên ngoại ở quê vào chơi, anh để chị thoải mái đón tiếp, còn đưa thêm tiền để chị chi tiêu, là bởi anh không biết gì về những khoản mà chị giấu giếm gửi ra. Những thì thầm trao đổi, những bất thường trong câu chuyện giữa chị và người bên ngoại luôn ngưng lại khi có mặt anh. Chị thỏa thuận với nhà ngoại rằng phải bí mật chuyện xấu, vì nói ra sợ gia cảnh nhà mình quá rối ren so với bên nội, chuyện lộ ra thì “bên ấy” chê cười, coi khinh chị, rồi cơ hội giúp đỡ bên ngoại cũng ảnh hưởng.
Thực ra hai gia đình anh chị ban đầu tương đương nhau về gia cảnh, điều kiện. Cả hai cùng quê. Rồi bên nội chuyển vào nam sinh sống, những người trong nhà anh sống có nề nếp, phấn đấu, biết tận dụng mọi cơ hội nên ngày một thành đạt, giàu sang, còn nhà chị thì của cải cứ thất thoát bởi những sai lầm, những tệ nạn, thói hư tật xấu. Đó là lý do khiến mỗi lần anh hỏi thăm, chị chỉ kể những chuyện tốt, chẳng muốn anh đánh giá, rồi biết đâu anh suy tính, chặt chẽ hơn về chuyện tiền bạc với chị.
“Dù có chuyện gì thì cũng phải nói ra cho nhẹ lòng, rồi còn tìm cách giải quyết, chứ em giấu hoài khéo phát bệnh”, bỗng nhiên anh nói như vậy khi hai vợ chồng đi ngủ. Có lẽ anh biết gì chăng? Chị lo lắng nghĩ. Những người ở quê rất có thể đồn đại và lan truyền những thông tin đến anh. Nếu như anh biết tất cả mà không phải từ tâm sự của chị? Khi đó anh sẽ nghĩ như thế nào… Chị thở dài, có lẽ chị không thể cứ giấu anh mãi.
Bình luận (0)