Nỗi niềm Tết sau cổng trại giam: Nương nhau cho bớt tủi

10/01/2017 06:42 GMT+7

Những ngày cận tết ở trong tù, các phạm nhân “mồ côi” thường được những người có thân nhân vào thăm chia sẻ quà để cùng nhau vượt qua nỗi nhớ nhà...

Những phạm nhân “đặc biệt”
Chúng tôi gặp Cao Minh Hiếu (27 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) ở trại giam Châu Bình (Bến Tre) trong một buổi sáng sớm cuối năm trời se lạnh. Được cán bộ trại dẫn ra khu vực thăm gặp để trò chuyện, Hiếu đi với một chiếc nạng gỗ khá khó khăn. Hiếu kể: “Hồi 14 tuổi, dượng chở em đi chơi và nhậu say nên xe tông vào chiếc xe tải. Em bị bánh xe tải cán ngang mất một chân”.
18 tuổi, Hiếu lấy vợ. Vợ chồng Hiếu có hai con gái. Dù mất một chân, Hiếu vẫn xin vào làm việc ở một công ty giày da gần nhà để có tiền lo cho gia đình. Do chán nản cảnh nghèo khổ, vợ của Hiếu bỏ đi để lại hai đứa con cho Hiếu chăm sóc. Tháng 4.2015, do hết tiền tiêu xài, Hiếu dùng xe máy đi giật điện thoại của một bé gái
10 tuổi đang chơi ở đường Lâm Văn Bền (Q.7). Sau khi lẩn trốn được 7 ngày, Hiếu bị Công an Q.7 bắt giữ. TAND Q.7 tuyên án 3 năm 6 tháng tù vì tội cướp giật tài sản. Hiếu chấp hành án đến nay được hơn 1 năm. Ngày bị bắt, Hiếu gửi con lại cho ông bà nội chăm.
“Thời gian đầu vào trại chưa có nạng gỗ, em phải nhảy lò cò để làm mọi thứ. Phạm nhân khác phải dìu em đến nhà ăn để ngồi nhặt rau, đi lấy đồ ăn, rồi đi vệ sinh... Sau đó, cán bộ trại giam làm cho em một nạng gỗ để em đi đến bây giờ”, Hiếu nhớ lại.
Khi đã sử dụng quen nạng gỗ, Hiếu được cán bộ cho làm nghề cắt chỉ, mỗi ngày cắt hơn 1.000 sản phẩm. “Giờ em có công việc ổn định trong trại, được bạn bè trong này giúp đỡ, thỉnh thoảng ba mẹ và 2 con gái xuống thăm. Em chỉ mong sớm chấp hành án xong để trở về đi làm nuôi hai con nhỏ và chăm sóc bố mẹ. Em day dứt và hối hận lắm”, Hiếu nói.
Hiếu kể thêm, những ngày tết ở trại giam rất buồn và nhớ nhà, đặc biệt nhớ lại những cái tết trước đây được ở bên cạnh con và ba mẹ. Còn ở trong trại, các phạm nhân có gia đình đến thăm, góp mỗi người một chút quà để phân phát cho phạm nhân “mồ côi” không ai thăm để họ bớt tủi thân trong những ngày tết.
Đào Kim Hùng (50 tuổi) là phạm nhân duy nhất ở trại giam Châu Bình bị mù. Phạm nhân Hùng bị án 13 năm vì tội mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, thụ án được gần 8 năm. Ông Hùng kể mình không phải bị mù bẩm sinh. Năm 2011, bỗng nhiên mắt trái mờ dần rồi một thời gian sau “lây” sang mắt phải. Đến năm 2014, hai mắt của ông Hùng có cũng như không và bóng tối gắn chặt với ông từ đó đến nay. “Giờ tôi chỉ cảm nhận được một chút ánh sáng thôi chứ không nhìn được gì, kể cả những vật rất gần. Tự nhiên mọi cảnh vật xung quanh, gia đình, người thân chỉ còn là ký ức”, ông Hùng tâm sự.
Từ ngày bị mù, cuộc sống trong trại giam của ông Hùng thay đổi hẳn: hạn chế đi lại, muốn đi đâu phải nhờ bạn tù dắt đi, ngoài vệ sinh cá nhân thì ông Hùng phải tự làm, còn mọi việc đều phải trông cậy vào bạn tù và cán bộ quản giáo. Khi chưa bị mù, ông Hùng làm ở bộ phận xếp vỏ (túi, hộp), nay được sắp xếp làm gắn túi quai là công việc đơn giản nhất ở trại.
“Tôi mê xem ti vi nhưng từ ngày hết thấy đường, tối về chỉ nằm nghe thời sự, ca nhạc thôi. Mỗi lần nghe ti vi phải dặn các anh trong phòng im lặng mới nghe được. Tôi cũng mê theo dõi phim dài tập lắm. Tối nào cũng "xem", nhất là phim nhiều tập trên Đài Vĩnh Long”, ông Hùng nói.
Đàn ông làm nghề phụ nữ
Công việc làm mí mắt giả tưởng chỉ phù hợp với người phụ nữ vốn cẩn thận, tỉ mỉ nhưng ít ai có thể hình dung được phạm nhân Đặng Văn Hiệp lại có thể ngày ngày tẩn mẩn nối lông mi giả ở xưởng dạy nghề thuộc trại giam Châu Bình.
Hiệp già dặn hơn cái tuổi 37 của mình. Sinh ra ở Hải Phòng, từ nhỏ đã theo mẹ vào Đắk Nông sinh sống. Năm 2010, Hiệp xuống TP.HCM mở tiệm sắt ở Q.6 với mong muốn lập nghiệp. Ngày ngày Hiệp cần mẫn đến các công trình, mua sắt cũ về gia công rồi bán lại kiếm lời. Đùng một cái, các công trình xây dựng gặp khó khăn, tiệm sắt của Hiệp cũng làm ăn đình trệ. Chán nản, Hiệp kết bạn với dân giang hồ. Túng tiền cả bọn rủ nhau đi cướp. Một ngày đầu tháng 5.2012, nhóm của Hiệp gồm 12 người đã tổ chức thành công vụ cướp 120 triệu đồng cùng 5.600 tờ vé số của một đại lý vé số. “Chiến lợi phẩm” thu được đem về chia mỗi người 10 triệu đồng. Nhưng chỉ 2 ngày sau cả nhóm bị công an bắt giữ. Hiệp bị xử 13 năm tù, cộng với 15 tháng tù treo vì tội gây thương tích trước đó, tổng cộng Hiệp phải lãnh án 14 năm 3 tháng tù.
Những ngày đầu vào trại, Hiệp rất chán nản, không muốn làm gì. Nhưng rồi nhờ động viên của cán bộ quản giáo, Hiệp chọn học làm mí mắt. Tóc và sợi được công ty giao sẵn, công việc của Hiệp là cứ tỉ mỉ đếm 9 sợi tóc cột lại với nhau trên sợi cước. Mỗi dây phải đủ 52 gút. Chỉ tiêu của trại mỗi phạm nhân làm 50 dây/ngày.
Hiệp kể công việc nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi tính cẩn thận. “Quan trọng là việc được dạy nghề, đi làm trong thời gian ở tù khiến tôi không có thời gian suy nghĩ tiêu cực và cố gắng cải tạo thật tốt; biết quý đồng tiền, công sức mồ hôi của mình, biết quý những tháng ngày tự do ở ngoài”, Hiệp tâm sự.
Cách đó không xa, phạm nhân Nguyễn Trung Hiếu (22 tuổi) bị án 2 năm 5 tháng tù đang cần mẫn may túi xách; phạm nhân Bùi Minh Phụng (41 tuổi), chịu án 10 năm tù vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đang thoăn thoắt đan các sản phẩm từ lục bình... Họ làm như muốn quên đi thời gian. Nỗi niềm xa nhà làm họ càng quyết tâm cải tạo thật tốt để được nhanh chóng về với gia đình khi không khí tết len vào đến từng nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.