Nỗi sợ có đáng sợ?

30/05/2018 14:52 GMT+7

Trong chúng ta, ai cũng có những nỗi sợ khác nhau. Có người tìm cách để vượt qua, cũng có người dù cố đến nhường nào cũng không thể vượt qua được. Vậy bạn vượt qua nỗi sợ như thế nào?

Sợ không cần lý do

Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết mình thuộc nhóm máu gì, vì tất cả những gì liên quan đến bệnh viện, khám chữa bệnh tôi đều sợ.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần bị đau bệnh, mẹ gọi thầy thuốc đến nhà. Chỉ cần nghe thầy thuốc bảo phải tiêm thuốc là cứ y như có một nguồn sức mạnh gì đó rất khủng khiếp lôi tôi ngồi bật dậy, chạy khỏi giường. Mặc cho mẹ la mắng và thậm chí hù dọa như thế nào nhưng tôi vẫn ở lì trong nhà vệ sinh và khóa cửa lại. Ngày tôi học đại học xa nhà, bị thủy đậu, sốt cao mê man nhưng vẫn đóng cửa thật chặt và ở trong phòng một mình. Vì mở cửa ra, tôi sợ mọi người đưa đi bệnh viện.

Thế đó, dẫu biết rằng chính mình đang cố tình ương bướng và có vẻ cố chấp làm hại bản thân. Nhưng có lẽ đó là nỗi sợ, nên dù có cố gắng như thế nào, tôi vẫn sợ.

Mang câu chuyện của tôi kể cho nhiều người trẻ. Và điều tôi nhận về đó là sự đồng cảm, vì họ cũng đã và đang như vậy. Dù nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Nhưng để vượt qua được nỗi sợ, luôn là điều khó khăn của rất nhiều người trẻ.


Trương Nguyễn Quỳnh Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, chia sẻ: “Nhiều lần bị bạn bè chửi: “Mày bị điên à. Hết điều để sợ hay sao mà đi sợ con mèo”. Có lẽ, nếu như tôi chỉ sợ bình thường thôi thì bạn bè đã không phản ứng như vậy. Nhưng đằng này, mỗi lần nhìn thấy mèo là tôi như muốn xỉu, hoặc là la tán loạn lên rồi như tên bắn, tôi có thể lao lên bất kỳ vị trí cao nào gần đó, bất chấp nguy hiểm”.

Quỳnh Anh cũng không thể lý giải được tại sao cô nàng sợ mèo. “Từ nhỏ, cứ thấy mèo là mình đã như vậy rồi. Biết là nó không cắn, không gây hại cho mình nhưng không hiểu sao, sợ là cứ sợ”, Quỳnh Anh  bày tỏ.

Sợ cái gì, lao vào cái đó

Lê Thị Ngọc Hân, cựu sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cô nàng mang biệt danh là “nhát như thỏ đế” nhưng cuối cùng cũng chinh phục nỗi sợ của mình bằng cách theo học ngành y.

Ngọc Hân kể hành trình thay đổi bản thân đã phải nhiều lần xỉu lên xỉu xuống khi nhìn thấy máu, rồi trước khi vào phòng xác dù đã trấn an bản thân rất nhiều nhưng về nhà mấy đêm liền không ngủ được, trời nóng mà trùm chăn kín đầu, mồ hôi ra nhễ nhại cũng chỉ vì sợ. Thế nhưng, “mình đã chiến thắng được nỗi sợ của bản thân vì niềm yêu nghề. Mình muốn sau này có thể hành nghề cứu người, chính điều này đã tạo cho mình nguồn sức mạnh rất lớn để vượt qua tất cả”, Hân chia sẻ.

Cũng học Y giống như Hân, nhưng Mã Phương Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM lại có nỗi sợ khác. Quỳnh sợ đám đông.

Quỳnh kể: “Hồi em học lớp 7, giọng nói của em thay đổi, nếu nói to thì sẽ nghe rất léo nhéo, các bạn trong lớp chọc rồi ghét, xa lánh em. Nên từ đó mỗi lần đứng trước lớp hay trước đám đông nói em rất sợ. Và nỗi sợ đó đi theo em đến mãi tận gần đây em mới vượt qua được”.

Đấy là lúc Quỳnh quyết định đi thi cuộc thi MedBeauty 2018 - Tỏa sáng nét đẹp sinh viên y khoa và cuối cùng Quỳnh đã đăng quang hoa khôi sinh viên y dược.

“Em nghĩ là em không có cơ hội thứ 2 nếu em cứ tiếp tục với nỗi sợ như thế. Vì quãng đời sinh viên cũng sắp hết. Tại cuộc thi, em nghĩ nếu run thì sẽ làm không tốt, nên em cố gắng, vừa bước lên sân khấu em liền nhìn xuống khán giả ở hàng ghế đầu rồi cười để lấy lại tự tin. Và cuối cùng em đã làm được”, Quỳnh tâm sự.

Nhưng Quỳnh cũng chia sẻ thêm: “Cũng tùy nỗi sợ, có những nỗi sợ ta có thể vượt qua được, nhưng cũng có những nỗi sợ sẽ rất khó để vượt qua. Như nỗi sợ côn trùng từ bé đến giờ em vẫn còn sợ”.

Hãy tạo bước đột phá để vượt qua giới hạn bản thân


Theo anh Đặng Hoàng An, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có hai nguyên nhân chính khiến cho các bạn trẻ sợ hãi một điều gì đó. Nguyên nhân bên trong, một phần do cấu tạo hệ thần kinh, tâm sinh lý cá nhân quy định tính cách nên không phải ai cũng thừa hưởng sự mạnh mẽ và có "đề kháng" tốt với những yếu tố tác động bên ngoài. Cũng có thể trong cuộc sống trải qua, gánh chịu một tổn thương, nỗi đau hay cú sốc tinh thần mà vượt khỏi sự chịu đựng của bản thân tạo nên sự ám ảnh kéo dài. Một phần cũng do kinh nghiệm, vốn sống của người trẻ còn ít nên cách đối diện, thích nghi và vượt qua nỗi sợ còn hạn chế.

Nguyên nhân bên ngoài, do sự hù dọa gây cảm giác lo lắng, sợ hãi từ những người xung quanh vô hình chung để lại những ám ảnh trong vô thức. Hay do sự tiếp xúc với những câu chuyện, hình ảnh, clip mang tính tiêu cực bị tiêm nhiễm trong khi sự "gạn lọc" của người trẻ có giới hạn.

Anh An cho rằng, nếu ví nỗi sợ như bức tường lớn chắn ngang con đường mình đi thì có nhiều cách để vượt qua. Nếu không đủ khả năng để đi xuyên qua bức tường thì hãy tìm cách leo qua, nếu leo không được thì đi đường vòng, nếu vòng qua không được vẫn có cách là đào hầm đi qua.

“Đối diện và vượt qua nỗi sợ không phải làm được trong ngày một ngày hai và không phải ai cũng làm được nên nhiều bạn chọn cách chạy trốn nỗi sợ ấy.  Đây là cách giải quyết mà tôi cho rằng chưa hoàn hảo. Bởi tâm lý ngại, sợ đối diện nỗi đau sẽ đeo đuổi các bạn mãi về sau nếu không tạo 'bước đột phá' vượt ra khỏi giới hạn cá nhân”, anh An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, anh An khuyên: Tập cho mình cách nhìn đa diện về vấn đề bởi có những nỗi sợ đến từ một điều gì đó không rõ ràng, sự hồ nghi, tưởng tượng cá nhân. Các bạn trẻ nên thay đổi nhận thức, thái độ để có hành vi thích hợp khi đối diện và vượt qua nỗi sợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.