Ám ảnh chấn thương
Thời gian qua, HLV Phạm Văn Long đứng ngồi không yên với tình hình sức khỏe của Phạm Thị Liên, libero của Thông tin Liên Việt Post Bank, người từng đoạt danh hiệu libero xuất sắc nhất giải bóng chuyền nữ trong khuôn khổ Đại hội thể thao quân sự thế giới. Phạm Thị Liên bị một hội chứng tâm lý dẫn đến căng thẳng, tim đập nhanh, bất ổn khi thi đấu. Cô từng phải nằm yên trên giường bệnh 2 ngày chỉ để các bác sĩ theo dõi mạch máu và nhịp tim, Liên đứng trước nguy cơ phải nói lời từ biệt thảm đấu.
Cũng ở Đại hội thể thao quân sự thế giới, Bùi Thị Ngà là VĐV đứng đầu về chỉ số đập bóng trên lưới. Từ lâu, tuyển thủ quốc gia này vẫn được coi là có những tố chất hàng đầu về thể hình, thể lực, sức bền, sức bật và sự dẻo dai. Thế nhưng, nữ VĐV “khỏe như voi” này đã phải nghỉ dài hạn vì chấn thương dây chằng. Cô vào nam ra bắc với những ca mổ, đợt điều trị chuyên biệt, những lúc cắn răng, rớt nước mắt vì đau đớn.
"Chấn thương là sự sợ hãi lớn nhất, là nỗi ám ảnh với bất cứ ai theo tập thể thao. Những lúc đau đớn trong thi đấu, sau đó là những ca mổ, rồi phải tập trở lại. Sự lo lắng, áp lực, cô đơn, những tác động tâm lý... rất dễ khiến tinh thần suy sụp và nhan sắc tàn phai", nữ thiếu tá Phạm Yến - từng là chủ công của tuyển VN trước đây - chia sẻ.
Nhiều VĐV gặp vấn đề tâm lý
Để theo tập bóng chuyền, các cô gái phải xa nhà từ những năm 11 - 12 tuổi, rèn luyện nghiêm túc và sống kỷ luật trong nhiều năm. Để có chỗ đứng trong đội 1 của đội bóng chuyền chuyên nghiệp là cả một hành trình dài, không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng. Phạm Yến cho biết: "VĐV bóng chuyền nữ có chiều cao tốt, nhưng phải rất đam mê và chịu hy sinh mới theo bóng chuyền vì tập nhiều ai cũng sợ cơ thể mình bị thô, do bắp chân, bắp tay, vai đều to ra. Nếu không biết kiêng ăn, không biết duy trì nhịp sống và sự khổ luyện để cân bằng tâm sinh lý thì rất khó theo đuổi lâu dài môn thể thao đầy sức mạnh này”.
tin liên quan
Hoa lạ trên sân bóng chuyềnGiải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền Long An mới diễn ra được vài ngày đã kịp trình làng nhiều gương mặt trẻ rất triển vọng, hoàn toàn có thể trở thành trụ cột của đội tuyển VN tại SEA Games 29 năm 2017.
Phụ nữ ai cũng muốn đẹp. Trước giờ thi đấu, đa phần các VĐV bóng chuyền đều dành chút thời gian "điểm phấn tô son", trang điểm nhẹ nhàng. Ánh đèn, nhiệt độ cao trong nhà thi đấu, những trận kéo dài đến tận đêm muộn ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, dung nhan, bên cạnh những áp lực, sự căng thẳng liên tục trong thi đấu khiến nhiều VĐV gặp một số vấn đề về tâm lý. Thế nên nhiều lúc họ phải tịnh tâm, tìm cho mình những sinh hoạt nhẹ nhàng khác để bản thân được cân bằng.
Trong làng bóng chuyền nữ VN, Kim Huệ là một trường hợp đặc biệt, bởi VĐV bóng chuyền nữ rất khó có thể giữ được phong độ tốt sau khi lập gia đình, sinh con. Thế nhưng, “người đẹp không tuổi” này vẫn thi đấu đỉnh cao một thời gian dài trong màu áo Ngân hàng Công thương sau khi làm mẹ, đến giờ vẫn chưa dừng lại. Yếu tố giúp Kim Huệ có thể làm được điều này đến từ tinh thần, cá tính, sự quyết liệt, luôn cháy hết mình của cô.
Với các đàn chị là kinh nghiệm, là lòng quyết tâm, các nữ VĐV trẻ hơn thì có niềm đam mê lớn lao, cộng thêm sự tự tin và sức trẻ. Nguyệt Anh và Trần Việt Hương, những VĐV của tuyển trẻ quốc gia cũng đều sở hữu nét đẹp thu hút. "Ngọc nữ" Âu Hồng Nhung luôn giữ được vẻ trong sáng, tinh khôi, đi cùng nghị lực phi thường. Chính sự khổ luyện, niềm đam mê của bản thân cùng sự động viên của gia đình, người thân, tình yêu... giúp các chân dài bóng chuyền đứng vững trên sàn đấu bằng ý chí mạnh mẽ, quả cảm, mang lại nhiều chiến tích chinh phục lòng người.
Bình luận (0)