'Nội soi' U.23 Việt Nam: Con tim và lý trí

14/01/2020 12:50 GMT+7

Thêm một trận đấu rất khó khăn mà đa phần những ai sành bóng đá đều thừa nhận: Chúng ta hoàn toàn có thể hài lòng với kết quả hòa. Khách quan mà nói, thế trận có phần nghiêng về phía đội bạn, bởi U.23 Việt Nam đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, không chỉ so với một U.23 từng làm nên kỳ tích 2 năm trước mà cả với chính thành phần U22 + 2 vừa vô địch SEA Games 30 ...

Chuyện của 'con tim'
Điều đầu tiên cần ghi nhận, U.23 Việt Nam tại VCK lần này thêm một lần thể hiện có nền tảng thể lực khá, bởi nhiều người trong số họ vừa mới trải qua một năm “vắt sức” trên các mặt trận, thậm chí gần như không có thời gian nghỉ ngơi thật sự sau SEA Games 30 để kịp “hồi pin”.
Thứ hai là, tinh thần chiến đấu của các tuyển thủ đều rất tốt. Ý chí, sự quyết tâm và cả sự tự tin của họ khi đương đầu với các đối thủ mạnh ở khu vực Tây Á có thể xem là một đặc trưng của lứa cầu thủ được rèn luyện bởi HLV Park Hang-seo.

Thủ môn Tiến Dũng chơi xuất sắc hai trận vòng bảng giải U.23 châu Á 2020

Độc Lập

Đức Chinh tả xung hữu đột

Độc Lập

Thứ ba là có những sự trở lại đáng ghi nhận. Thủ thành Bùi Tiến Dũng như thể “được sinh ra để tỏa sáng ở giải U.23 châu Á”. Và Đình Trọng, dù chưa tìm lại được 100% phong độ, cả 2 trận đều vào sân từ băng ghế dự bị, nhưng đều lập tức giúp gia cố hàng thủ bởi lối chơi bóng thông minh. Cuối cùng là Quang Hải, trở lại sau chấn thương vẫn rất năng nổ và tinh tế, luôn là một nguồn cảm hứng không chỉ cho hàng công mà cả toàn đội.
Chuyện của ‘lý trí’
Nhập cuộc với vị thế của một đương kim Á quân hẳn nhiên rất khác với 2 năm về trước. Thực tế chứng minh rằng, cả UAE lẫn Jordan đều đã nhập cuộc với sự thận trọng và lối đá vô cùng chặt chẽ. Họ đều đã nghiên cứu kỹ và hiểu rõ U23 Việt Nam. Các cá nhân nổi bật của chúng ta cũng như những “mảng, miếng” chiến thuật, đặc biệt trên hàng tấn công, gần như không còn yếu tố bất ngờ.
Thứ hai là, so với cách nay 2 năm, lực lượng lần này có phần thua sút. Thực ra chỉ cần so sánh với ngay đội hình vừa vô địch SEA Games 30 là thấy cái khó của thầy Park: Vắng Văn Hậu và Trọng Hoàng là thiếu đi “đôi cánh” lợi hại nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại (cả trong phòng ngự lẫn tấn công); Vắng Hùng Dũng cũng là một thiếu hụt rất lớn, đồng nghĩa với việc Quang Hải sẽ thiếu người “chia lửa” và trở nên khó khăn trước sự phong tỏa đầy tập trung của đối thủ.

Quang Hải đeo băng đội trưởng

Độc Lập

Đình Trọng trở lại sau 6 tháng bị chấn thương

Độc Lập

Thanh Thịnh và Tấn Tài (Việt Anh là nhân tố mới) từng thể hiện khá tốt ở 2 cánh mỗi khi được sử dụng ở đội U22 và U23 hồi năm ngoái, nhưng VCK châu Á vốn rất khác biệt. Trong khi 2 nhân tố mới là Việt Anh và Ngọc Bảo đều cần thêm thời gian. Sơ đồ chiến thuật với 3 trung vệ đòi hỏi 2 hậu vệ/tiền vệ biên đều phải toàn diện. Với “đôi cánh” khiếm khuyết thế thì cũng dễ hiểu vì sao đội lại gặp phải khó khăn trước một Jordan có những cầu thủ giỏi đá biên.
Vị trí tiền vệ trung tâm cũng chưa ổn. Đức Chiến – vốn là một trung vệ, khá mạnh ở khả năng đánh chặn và thu hồi bóng – được thầy Park “phát hiện” ở SEA Games 30, xem ra còn “non” khi bước ra sân chơi châu lục. Thu hồi bóng khá, nhưng khả năng chuyền bóng “chia bài” của Chiến không tốt. Vị trí đá cặp với Chiến (Thanh Sơn hoặc Việt Hưng) cũng không tốt, vì đều có thể hình “mỏng cơm”, không mạnh cả trong tranh chấp lẫn kả năng xử lý trong không gian hẹp...
Vậy nên, trong cuộc đấu với Jordan, dù U23 Việt Nam nhỉnh hơn về thời lượng kiểm soát bóng (56%), nhưng số lần tấn công nguy hiểm và thực hiện được những pha dứt điểm lại thấp hơn nhiều (8 so với 13). Hàng thủ cũng tiếp tục để lại nhiều lo lắng khi buộc phải bù đắp những sự xáo trộn nhân sự sau SEA Games vừa qua.
Khó khăn và hy vọng
Sau 2 trận hòa cùng với tỷ số 0-0, U.23 Việt Nam đã rơi vào khó khăn không hề nhỏ. Trong mọi tình huống, điều kiện CẦN đầu tiên là buộc phải thắng Triều Tiên.
Nhưng theo điều lệ, nếu Jordan và UAE hòa có bàn thắng thì đồng nghĩa với mọi cố gắng đều sẽ là không đủ giành vé đi tiếp. Bởi vậy, điều kiện quan trọng nữa (cùng với VN thắng Triều Tiên) là trận UAE – Jordan có kết quả thắng-thua (đội nào thắng sẽ nhất bảng, đội thua bị loại) hoặc hòa 0-0.
Trường hợp Jordan và UAE hòa 0-0, nếu U23 Việt Nam phải thắng Triều Tiên cách biệt 2 bàn trở lên sẽ có vé (nếu VN thắng 3-1 thì nhất bảng; nếu 2-0 thì sẽ xét chỉ số Fairplay giữa VN và UAE để xếp hạng). Nếu VN chỉ thắng cách biệt 1 bàn, tỷ số 1-0 thì VN bị loại (kém số bàn thắng so với Jordan); thắng 3-2 thì VN sẽ đi tiếp (hơn số bàn thắng); còn 2-1 thì VN sẽ chỉ số phụ của VN đúng bằng Jordan và xét đội điểm Fairplay cao hơn sẽ đi tiếp (nếu chỉ số Fairplay cũng bằng nhau thì bốc thăm chọn đội đi tiếp).
Tất cả các trường hợp nêu trên đều có thể xảy ra. Nhiều người đã lo rằng Jordan và UAE sẽ nhẹ nhàng “bắt tay” nhau với 1 trận hòa có bàn thắng để loại Việt Nam. Nhưng ngay cả khi họ không chủ đích làm thế thì trận đấu vẫn có thể kết thúc với kết quả hòa như trên.
Thật sự hồi hộp trước lượt cuối cùng. Chúng ta chỉ có thể mong U23 Việt Nam sẽ chơi tốt và thắng Triều Tiên. Còn diễn biến trận còn lại vốn nằm ngoài “tầm kiểm soát”, nên chỉ có thể hy vọng thêm là Jordan và UAE sẽ đồng thời đá thật, để dẫu kết quả như thế nào thì cũng chỉ còn sự nuối tiếc (cho đội bị loại trong “cuộc đua tay 3”) thay vì một nỗi buồn về tinh thần Fairplay của 2 đội vùng Tây Á!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.