Nơi ươm mầm sáng tạo cho học sinh

18/10/2017 10:34 GMT+7

Trong 3 năm qua, các cấp học ở H.Trà Ôn (Vĩnh Long) đã có hơn 4.300 sản phẩm dự thi và đạt được nhiều giải cao tại các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh và toàn quốc.

Năm học 2016 - 2017, H.Trà Ôn có 1.372 sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh lần thứ 6; trong đó, khối tiểu học 789 sản phẩm và khối THCS 583 sản phẩm, thuộc các lĩnh vực như: đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; mô hình, thiết bị bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Qua kết quả bình chọn, H.Trà Ôn đạt 12 giải thưởng, gồm: 3 giải nhì, 4 giải ba và 5 giải khuyến khích. Trong đó, 3 sản phẩm nổi bật đạt giải ba lần này là Nhà máy điện sóng biển của em Đỗ Quốc Huy (học sinh (HS) lớp 4/2, Trường tiểu học Thới Hòa B); Máy rửa củ sau thu hoạch của em Nguyễn Chí Hậu (HS lớp 8A2, Trường THCS Tích Thiện) và Thiết bị bay không người lái tích hợp camera không dây của em Nguyễn Trọng Nhân (HS lớp 11A1, Trường THPT Vĩnh Xuân). Vừa qua, em Nguyễn Hữu Trung (HS Trường THPT Vĩnh Xuân) được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhờ đạt giải nhì toàn quốc với mô hình Xe đạp chạy bằng năng lượng mặt trời.
Em Đỗ Quốc Huy, người vừa đạt giải ba với mô hình Nhà máy điện sóng biển, cho biết trong một lần về quê ngoại nghỉ hè ở một hòn đảo thuộc H.Phú Quốc (Kiên Giang), em thấy hầu hết bà con ở đây không có điện sử dụng, ban đêm phải đốt đèn dầu.
Một số nhà khá giả thì chạy máy phát điện bằng động cơ diesel, vừa ồn ào vừa gây ô nhiễm môi trường. Khi ra bãi biển chơi, Huy thấy nhiều chiếc ghe cào đậu ở bến thường va đập vào nhau rất mạnh mỗi khi có sóng lớn.
Từ đó, em nảy ra ý nghĩ tận dụng những cú va đập này dưới tác dụng của sóng biển để tác động lên những con IC, làm kích hoạt IC tạo nguồn điện cho người dân trên hòn. “Em nghĩ nguồn năng lượng sạch từ sóng biển sẽ giúp người dân địa phương đỡ tốn tiền và giảm ô nhiễm môi trường”, Huy chia sẻ.
Thầy Tiêu Ngọc Liệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Hòa B, cho biết: “Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho học sinh thỏa sức sáng tạo. Trung bình mỗi năm các em dự thi khoảng 50 sản phẩm. Ban giám hiệu sẽ tổ chức cuộc thi sáng tạo cấp trường để chọn ra những sản phẩm hay, thiết thực dự thi cấp huyện. Trong 3 năm qua, năm nào trường cũng đạt giải cao ở vòng huyện cũng như vòng tỉnh. Năm nay, sản phẩm của em Huy đã được chọn gửi dự thi toàn quốc”.

tin liên quan

Máy lên men tỏi của học trò
Quảng Bình có nhiều vùng đất trồng tỏi chất lượng tốt như Quảng Trạch, Ba Đồn..., nhưng thiết bị lên men tỏi trên thị trường chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu người dân.
Em Nguyễn Chí Hậu, tác giả mô hình Máy rửa củ sau thu hoạch, cho biết ý tưởng thực hiện mô hình trên bắt nguồn từ việc em thấy người dân quê mình rất vất vả để rửa các loại củ như khoai lang, củ sắn... mỗi khi thu hoạch. Để giúp bà con tiết kiệm công sức cũng như thời gian lao động, Hậu nghĩ ra cách cải tiến xe bồn xi măng thành chiếc máy rửa củ với thùng rửa, lồng rửa và hệ thống nước được dẫn lên lồng. Thầy Nguyễn Văn Rực, giáo viên Trường THCS Tích Thiện, nói: “Hậu là một học sinh rất thích sáng tạo. Ngoài giờ học, Hậu thường xuyên sửa chữa những đồ điện tử ở nhà và cả ở trường. Năm 2016, em cũng đạt giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh với sáng kiến Máy tách vỏ đậu phộng”.
Thầy Ngô Trí Đức, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trà Ôn, cho biết phong trào sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng được ngành giáo dục huyện triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Nhiều em đã đạt giải toàn quốc và được tuyển thẳng vào đại học. Để có được thành tích trên, phòng đã phối hợp triển khai kế hoạch đến từng trường trong huyện; đồng thời tuyên truyền đến các hiệu trưởng, giáo viên tổng phụ trách đội để từ đó vận động từng học sinh và tạo mọi điều kiện cho các em tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.