Nói về tinh giản biên chế, ông Trần Lưu Quang: 'Áp lực vô bờ bến'

Đình Phú
Đình Phú
19/04/2019 12:20 GMT+7

Ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho hay mặc dù có nhiều nỗ lực tinh giản biên chế, nhưng công tác này cũng luôn đối mặt rất nhiều áp lực.

Sáng nay 19.4, Thành ủy TP.HCM tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo báo cáo của ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có 24 quận, huyện, 322 xã, phường, thị trấn (259 phường, 58 xã, 5 thị trấn) với trên 10 triệu dân (trong đó có hơn 2 triệu người vãng lai, tạm trú), cơ cấu dân cư khá đa dạng (gần 400.000 người dân tộc Hoa, hơn 25.000 dân tộc Khmer, hơn 7.500 người dân tộc Chăm…); hơn 372.000 doanh nghiệp...
Đảng bộ TP.HCM hiện có 65 đảng bộ trực thuộc với 2.198 cơ sở đảng, 12.528 chi bộ. 
Về thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế của TP.HCM, báo cáo của ông Trần Lưu Quang cho hay: khối đảng, mặt trận, đoàn thể năm 2018 có 3.924 biên chế (giảm hơn 7% so với năm 2017 và giảm hơn 13% so với năm 2016); khối chính quyền TP, quận, huyện có tổng số biên chế thực tế đến tháng 6.2018 là 10.803 biên chế; đơn vị sự nghiệp trực thuộc được giao 106.771 chỉ tiêu năm 2018; cấp phường, xã, thị trấn tính đến tháng 6.2018 có 13.330 cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân hơn 71.000 người.
Nêu lên một số hạn chế trong công tác tinh giản biên chế, ông Trần Lưu Quang cho rằng số lượng biên chế thực tế còn khá cao so với biên chế của Trung ương giao. Mặc dù có quyết liệt trong tinh giản biên chế, nhưng chưa đạt yêu cầu vì TP.HCM là một đô thị đặc biệt có khối lượng công việc rất lớn. Do vậy đòi hỏi đặt ra là tinh giản biên chế phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cần có lộ trình thực hiện.
Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong tinh giản biên chế, chưa chú trọng đến việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nên tổ chức bộ máy chưa thật sự tinh gọn, hiệu quả công tác chưa cao…
TP.HCM có đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều, có xu hướng ngày càng tăng lên, mức độ phức tạp của công việc ngày càng cao NGỌC DƯƠNG
Về những khó khăn trong công tác tinh giản biên chế, ông Trần Lưu Quang nói: "Áp lực vô bờ bến".
Theo ông Trần Lưu Quang, giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân chung cả nước. Từ năm 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng ổn định, thu ngân sách từ 347.000 tỉ đồng năm 2017 tăng lên khoảng 380.000 tỉ đồng năm 2018 (dự toán năm 2019 thu xấp xỉ 400.000 tỉ đồng).
Ông Trần Lưu Quang dẫn chứng thêm về một trong những áp lực, đó là bình quân mỗi năm, dân số và người lưu trú ở TP.HCM tăng khoảng 1 triệu người. Nhiều xã, phường, thị trấn ở TP.HCM có mật độ dân số rất cao, tập trung. Điển hình như ở P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) đã có hơn 146.000 dân; xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) đã có hơn 160.000 dân. 
Trong các đề xuất, kiến nghị Trung ương, Thành ủy TP.HCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu giao biên chế theo quy mô dân số và tính đa dạng, phức tạp của thành phố trên mọi lĩnh vực. Lý do là TP.HCM với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều, có xu hướng ngày càng tăng lên, mức độ phức tạp của công việc ngày càng cao.
Về phương hướng, nhiệm vụ tinh giản biên chế, ông Trần Lưu Quang cho hay các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án tinh giản biên chế và đề ra lộ trình thực hiện trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện; trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2015; đồng thời thực hiện nghiêm việc tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Cơ quan nào chưa thực hiện đúng thì phải có đánh giá chế tài

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá khối nhà nước, chính quyền triển khai tinh giản biên chế còn chậm, chỉ mới có kết quả bước đầu. Nếu so với con số biên chế thực tế sử dụng thì có giảm, nhưng vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu giao của Bộ Nội vụ. Lý do là số biên chế giao của TP.HCM luôn cao hơn chỉ tiêu giao của Bộ Nội vụ.
Theo ông Mai Văn Chính, cần tiếp tục rà soát lại chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, nếu có chồng chéo thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải có kế hoạch công việc hàng năm, định kỳ hàng quý hàng năm phải có đánh giá, từ đó mới tính ra được định mức lao động.
"Tôi nhìn nhận đây cũng là việc khó, nên triển khai mà chưa đạt mục đích yêu cầu đề ra", ông Mai Văn Chính nói thêm.
Cũng theo ông Mai Văn Chính, Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đến năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Kết quả tinh giản biên chế sẽ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ hàng năm. Cơ quan nào chưa thực hiện đúng thì phải có đánh giá chế tài. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.