Lũ ngập nhà dân ở Điện Bàn năm 2009 - Ảnh: Diệu Hiền |
Ám ảnh xả lũ
Đến nay, người dân ở Nghĩa Nam, thị trấn Ái Nghĩa (H.Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm dòng nước bạc cuồn cuộn đổ về trong đêm 29.9.2009. Mới 10 giờ đêm, nước còn nằm ngoài đường. Tưởng nước có vậy, ai nấy đều kê tài sản lên trên mặt bàn (vì đỉnh lũ lịch sử năm 2007 chưa qua mặt bàn). 11 giờ, nước tràn ngập. 12 giờ, ngồi trên gác xếp, ông N.Đ.Nh (nhà ở Nghĩa Nam) và mấy người con chỉ biết nhìn dòng nước xô đổ, cuốn đi từng bao lúa ăn, lúa giống và... cầu trời! May thay, toàn bộ thành viên trong gia đình ông bình an vô sự. Nhưng tại Đại Lộc, nhiều người không may mắn như gia đình ông N.Đ.Nh.
Trong công văn gửi lãnh đạo T.Ư và tỉnh Quảng Nam vào năm 2009, UBND H.Đại Lộc khẳng định: Giữa lúc bão số 9 đang tràn vào, khi mực nước trên sông Vu Gia ngày 29.9.2009 tại Ái Nghĩa đã ở trên mức báo động 3 gần 1m thì thủy điện A Vương mới bắt đầu xả lũ. Hậu quả, theo UBND H.Đại Lộc: 35.000 nhà dân bị ngập nước (từ 1m - 4,5m), chiếm 95% nhà dân toàn huyện. Đặc biệt có một số vùng lâu nay chưa hề bị ngập lũ thì đợt này đã bị ngập sâu từ 0,5 - 1m nước. Toàn huyện có 8 người chết, 380 người bị thương, hơn 13.500 tấn lương thực bị trôi và ngập ướt... Tổng thiệt hại tại Đại Lộc trong cơn bão lũ lên đến 653,4 tỉ đồng.
Không những gây ngập sâu ở hạ lưu, mà ngay ở các huyện miền núi cũng xảy ra hiện tượng ngập lũ. Đây là điều cực hiếm. Theo UBND H.Đông Giang (Quảng Nam), các đập thủy điện đã gây nên tình trạng ngập lụt ở vùng thượng lưu ngày càng sâu hơn. Thậm chí đường Hồ Chí Minh cũng bị ngập (trước đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng này). Chưa hết, khi lũ rút, hàng ngàn hộ dân ở các xã nằm ven sông Kôn, Quảng Huế... như xã Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Lãnh lâm vào cảnh khốn khó khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lắng, thu hẹp. Một lãnh đạo H.Đại Lộc cho rằng, trước đây sau mỗi mùa mưa lụt, các cánh đồng ở Đại Lộc được bồi đắp phù sa làm cho đất đai thêm màu mỡ. Tuy nhiên, hiện nay sau mỗi đợt lũ, đất sản xuất của vùng hạ lưu bị bồi lấp đất, đá, cát không sản xuất được.
Lo an toàn đập
Nỗi lo lớn nhất của các cơ quan quản lý chính là việc các chủ đầu tư bỏ ngõ kiểm định an toàn đập thủy điện. Đây là ẩn họa khó lường, khi sự cố xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão.
Cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng nhà máy thủy điện trong việc vận hành nhà máy, điều tiết lũ. Không thể để việc các nhà máy đặt lợi ích của mình lên trên tính mạng và tài sản của người dân được |
||
Ông Phạm Xuân Sử - Chủ tịch Hội tưới tiêu VN |
||
Câu chuyện thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) gặp sự cố vào năm 2010 là một ví dụ sinh động cho vấn đề bỏ ngỏ kiểm định an toàn đập thủy điện. Theo Bộ Công thương, đến đầu năm 2011, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện trên 8.000MW (chiếm 35% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam).
Hiện có 71 nhà máy thủy điện có công suất lớn hơn 10MW (trong đó có 44 nhà máy trên 30MW) thuộc sự quản lý, vận hành của 61 đơn vị, chủ đầu tư. Theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), mặc dù tất cả các đập thủy điện trên cả nước đã đến kỳ kiểm định, nhưng chưa có đơn vị chủ quản nào thực hiện kiểm định theo quy định hiện hành.
Theo Nghị định số 72/2007/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành xây dựng và đưa đập vào sử dụng, chủ đập phải thực hiện đăng ký an toàn đập gửi Sở Công thương, Sở NN-PTNT nơi xây dựng đập. Theo Bộ Công thương, trên thực tế, công tác này chưa được các chủ đập chú trọng thực hiện.
Cả nước chỉ có 26 đơn vị chủ quản đập thủy điện công suất trên 30MW thực hiện đăng ký an toàn đập với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngay cả việc cắm mốc xác định phạm vi bảo vệ đập và xây dựng phương án bảo vệ đập cũng còn nhiều bất cập, nội dung phương án sơ sài khiến các địa phương có đập thủy điện không thể phê duyệt.
Nhiều chủ đầu tư lơ kiểm định an toàn đập thủy điện - Ảnh: Hữu trà |
Bỏ thủy điện không đảm bảo
Tháng 10.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành "Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, ĐắkMi 4 và Sông Tranh 2" nằm trong hệ thống thủy điện Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo đó, từ tháng 9 - 12 hằng năm, các hồ thủy điện A Vương, ĐắkMi 4 và Sông Tranh 2 phải được vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như sau: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện. Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ: Trước khi vận hành mở các cửa xả đầu tiên, giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ nói trên phải thông báo trước 2 giờ đến BCĐ Phòng chống lụt bão T.Ư, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng và BCH Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng. N.Hữu |
Bên cạnh mưa lũ, khu vực miền Trung cũng hứng chịu bão nhiều hơn so với 2 đầu đất nước. Chỉ trong vòng 6 năm (từ 2005-2010), thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 1.859 người, 219 người mất tích, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 58.737 tỉ đồng. Miền Trung cũng "lãnh đủ" mỗi khi nắng hạn. Ông Bùi Ngọc Lâu - Hội tưới tiêu Việt Nam nói: “Như thế thì người miền Trung không nghèo khó sao được, hầu như cả năm phải gánh chịu thiên tai”.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho những thiệt hại mà người dân miền Trung phải "ôm sô" ngay cả khi mưa bão hoặc nắng hạn. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu; do xây dựng và vận hành các hồ thủy điện, hồ thủy lợi chưa đồng bộ; việc xây dựng các trục đường giao thông, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; do phá rừng…
Tổng cục Thủy lợi khẳng định các dự án quy hoạch thủy điện do các đơn vị thuộc Bộ Công thương thực hiện vẫn mang nặng tính chuyên ngành, chú trọng về phát điện là chính chứ chưa tính đến điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, các tỉnh thì mạnh ai nấy làm quy hoạch thủy điện, quy hoạch tràn lan, có cả công trình nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia…
Ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cho rằng, vấn đề thủy điện gây ngập lụt cho vùng hạ lưu, gây hạn hán trong mùa nắng nóng đã nói nhiều. Làm sao để chấm dứt tình trạng này mới là việc đáng bàn, và cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp cao hơn.
Hữu Trà
Bình luận (0)