Sống cùng nỗi lo
Cách đây không lâu, một cơn gió mạnh đã lùa 3 thanh thép dài 3-4 m bay vèo ở độ cao hàng chục mét từ công trình chung cư cao tầng Him Lam (P.11, Q.6, TP.HCM) xuống khu dân cư ngay bên cạnh. Tuy không gây thương tích cho ai nhưng cũng làm người dân tại hẻm 405 Hậu Giang, P.11, Q.6 một phen hốt hoảng. Ngay sau đó, đơn vị thi công đã tạm ngưng thi công để che chắn lại. Tuy nhiên, người dân vẫn nơm nớp lo sợ vì không biết lúc nào lại có vật liệu rơi xuống nữa.
Còn tại công trình xây dựng chung cư cao cấp BMC - 258 Bến Chương Dương (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt), P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM thì chuyện sắt thép rơi xuống như “cơm bữa”. Vào năm 2009, một thanh sắt xây dựng dài 1,5m từ tầng cao rơi thẳng xuống nhà 42/11 Trần Đình Xu, Q.1 (nằm phía sau công trình) làm thủng trần nhà, xuyên xuống phòng ngủ. Công an P.Cô Giang đã đến lập biên bản và bên thi công đã khắc phục nhưng sau đó tình hình vẫn không được cải thiện.
Gần đây nhất, 16 giờ ngày 28.7.2011, 2 tấm thép dùng làm mâm giàn giáo nặng khoảng 20 kg bay từ độ cao hàng chục mét rơi xuống trước mặt tiền nhà 42/11 Trần Đình Xu làm đứt dây điện, dây cáp truyền hình và điện thoại, rất may không xảy ra thương vong. “Liên tục từ khi công trình được khởi công (năm 2006) đến nay có ít nhất 4 vụ rơi thép xây dựng xuống nhà dân trong hẻm 42 Trần Đình Xu, còn những vụ rơi gạch, đá xuống đường thì nhiều vô kể. Người dân chúng tôi không lúc nào yên tâm”, ông Lê Mạnh, chủ hộ 42/11 cho biết.
Công trình BMC 258 Bến Chương Dương do xây sai phép nên đã bị các cơ quan chức năng buộc tháo dỡ phần sai phép. Kể từ khi công ty tiến hành tháo dỡ, bà con lại bị tra tấn bởi bụi và tiếng ồn từ việc khoan đục bê tông. Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Võ Văn Hai, Phó chủ tịch UBND P.Cô Giang, Q.1 cho biết, UBND phường đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều lần và công trình đang bị đình chỉ thi công. Tuy nhiên, người dân cho biết họ vẫn luôn sống trong lo sợ bởi thỉnh thoảng lại có một vài cục gạch, vài tấm thép rơi xuống do gió thổi.
Ngoài việc bị tra tấn bởi tiếng ồn và bị đe dọa tính mạng, người dân còn đối mặt với nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào. Điển hình là tại công trình nhà khách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tọa lạc tại số 20/1 Hoàng Diệu, P.12, Q.4, TP.HCM. Vào khoảng tháng 3.2011, khi công trình đang tiến hành thực hiện phần hầm móng thì nhiều hộ lân cận phát hiện nứt tường, lún nền. Nghiêm trọng nhất là 2 căn nhà số 76 và 78 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4 (nằm giáp sau lưng công trình), đến nay gần như hỏng toàn bộ kết cấu. Đặc biệt là nhà 76 Nguyễn Tất Thành, tường nhà nhiều chỗ bị xé toạc, nhiều cột bê tông bị gãy ngang, lòi cả kết cấu thép bên trong. Sợ nguy hiểm đến tính mạng vì nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào, chủ nhà đành phải dọn ra ngoài, mọi công việc kinh doanh đều bị ngưng trệ.
Người dân nghèo đâu có rành pháp luật mà khởi kiện. Hơn nữa, khởi kiện phải chi phí thêm bao nhiêu tiền án phí, tiền giám định... và mất rất nhiều thời gian
|
|
Ông Nguyễn Cao Phấn, ngụ 16/2 Tân Thành, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM |
Gian nan đòi bồi thường
Dù những ảnh hưởng của công trình xây dựng đối với nhà của các hộ dân đã quá rõ ràng nhưng việc đòi bồi thường lại không hề đơn giản. Anh Lại Quốc Phương, chủ hộ 76 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4 cho biết, kể từ khi phát hiện nhà bị nứt (vào khoảng tháng 3.2011) đến nay căn nhà sắp bị sập rồi mà vẫn chưa thỏa thuận được việc giám định, nói gì đến đòi bồi thường.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Cao Phấn, ngụ 16/2 Tân Thành, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM. Căn nhà của ông hư hại khá nghiêm trọng do bị ảnh hưởng của công trình xây dựng cao ốc u Cơ Tower (tại số 659 u Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM) do Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình 557 làm chủ đầu tư. Từ khi phát hiện ra vết nứt tường đầu tiên đến nay đã hơn 1 năm, khiếu nại và làm việc với cơ quan chức năng không biết bao nhiêu lần, một phần căn nhà đã hỏng nặng, không thể ở được nhưng vẫn không thể thống nhất phương án và mức đền bù. UBND phường sau nhiều lần hòa giải không thành đành hướng dẫn các hộ khởi kiện ra tòa. Nhưng ra tòa lại không hề đơn giản.
“Người dân nghèo đâu có rành pháp luật mà khởi kiện. Hơn nữa, khởi kiện phải chi phí thêm bao nhiêu tiền án phí, tiền giám định… và mất rất nhiều thời gian. Tôi đã 70 tuổi rồi, không còn đủ sức và thời gian “đáo tụng đình” đâu”, ông Phấn chua xót. Chính vì vậy nhiều hộ đành phải chấp nhận mức đền bù do chủ đầu tư đưa ra dẫu biết rằng thiệt thòi, để khỏi mất thời gian và công sức.
Thi công ảnh hưởng đến các công trình lân cận là điều không thể tránh. Nhưng nếu bất chấp, coi thường tính mạng người dân là điều không thể chấp nhận. Nhà nước nên có chế định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư một cách hiệu quả nhất để không ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người dân khi xây dựng công trình.
Hải Nam
Bình luận (0)