Nồng ấm những chiến binh K

An Dy
An Dy
22/01/2021 06:28 GMT+7

Nhiều bệnh nhân ung thư vẫn có thể sống vui khỏe, tự tin, tràn đầy năng lượng. Họ còn là điểm tựa cho những đứa trẻ mà cha mẹ chúng, cũng là bệnh nhân ung thư đã mất.

Nhiều bệnh nhân K (ung thư) vẫn có thể sống vui khỏe, tự tin, tràn đầy năng lượng. Họ còn là điểm tựa cho những đứa trẻ mà cha mẹ chúng, cũng là bệnh nhân K, đã mất. Tất cả làm nên hình ảnh “chiến binh” kiên cường, nồng ấm...
We Can, cộng đồng kết nối hơn 300 chiến binh K tại Đà Nẵng, không cho thấy những hình ảnh mệt mỏi, tiều tụy, nhợt nhạt sau những buổi xạ trị, hóa trị. Họ vừa đứng trên sân khấu “Chúng ta hát ca”, hợp phần dự án gây quỹ cho các hoạt động của cộng đồng K, khiến những người tham dự đều bất ngờ. Có đến gặp họ, nghe họ hát, xem họ luyện vũ đạo... mới thấy hết sức mạnh tiềm ẩn bên trong, để thấy họ thực sự mạnh mẽ và kiên cường như thế nào!!! Họ mang tiếng hát để gây quỹ cho hoạt động của những bệnh nhân ung thư, gây quỹ để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, là con những chiến binh K đã nằm xuống.

Chiến binh K phổi Lê Hoàng Ngân chia sẻ về quỹ học bổng dành cho con của những chiến binh K đã mất

ẢNH: AN DY

“Sống như những đóa hoa”

Mắt chúng tôi rưng rưng khi nhìn những chiến binh K trên sân khấu, hát về ước mơ và những điều tốt đẹp. Bài hát “Sống như những đóa hoa” như một thông điệp của chiến binh K. Rằng họ không thích những điều bi lụy, nước mắt, tiêu cực; chỉ thích mạnh mẽ, tự tin, xinh đẹp, tràn đầy năng lượng... Dù phải đội tóc giả thì tóc cũng phải thật đẹp, khuôn mặt được chuyên gia make up bài bản nhất, phục trang cũng phải lộng lẫy nhất. Như những ca sĩ chuyên nghiệp.
Lê Hoàng Ngân, chiến binh K phổi giai đoạn 4, sáng lập viên của We Can tại Đà Nẵng, không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn những người đồng bệnh luyện tập giữa những ngày đông lạnh lẽo. “Ánh mắt, nụ cười của các chị em đã khiến buổi chiều đông ảm đạm trở nên ấm áp hơn bao giờ. Có những chị hằng tuần vẫn phải vào bệnh viện điều trị, nhưng đến giờ luyện tập vẫn luôn hào hứng”, Hoàng Ngân nói.
Nữ bác sĩ Ái Nghĩa (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) suốt 10 năm liền phẫu thuật 2 lần, cả K vú và K tuyến giáp, chưa kể không biết bao nhiêu lần hóa trị, phẫu thuật. Sau đợt phẫu thuật tuyến giáp, chị đã không thể nói được, nhưng nhờ niềm đam mê tập luyện, hát ca mà giờ chị đã có thể hát trở lại. “Tôi thích hát và hát đến khi nào không còn hát được nữa thì thôi. Phương châm của tôi là cố gắng yêu tất cả mọi thứ, cả mới lẫn cũ, cố gắng làm những điều đáng yêu, đáng nhớ, những điều tốt. Như vậy thì những điều đáng quên, đáng ghét sẽ ít đi”, chị trải lòng.
Trần Thị Ngân, một chiến binh K vú, cũng tỏ ra hân hoan dưới ánh đèn sân khấu tưng bừng. “Tôi rất vui khi được tham gia đêm nhạc gây quỹ dành cho bệnh nhân ung thư. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến We Can đã tạo điều kiện cho các bệnh nhân được thể hiện khả năng của mình”, chị tâm sự.

TS-BS Lê Quốc Tuấn (Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ kiến thức trị liệu, ổn định tâm lý cho bệnh nhân ung thư tại chương trình của We Can

ẢNH: We Can cung cấp

Năng lượng tinh thần từ các “lương y”

“Để các bệnh nhân thực sự có niềm tin vào quá trình điều trị, đáp ứng điều trị, hơn ai hết chính các y bác sĩ phải làm được điều đó”, TS-BS Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Đà Nẵng), chia sẻ. Bác sĩ Tuấn là người trực tiếp cùng gần 20 y bác sĩ khác mang đến lời ca, tiếng hát phục vụ những bệnh nhân ung thư.
Ngoài giờ làm việc, các y bác sĩ tranh thủ tập luyện cùng bệnh nhân. “Trong cuộc sống, khó khăn, bệnh tật là điều khó tránh khỏi. Kết quả nghiên cứu và qua thực tiễn cho thấy, sức mạnh của sự lạc quan, tinh thần và ý chí của người bệnh rất quan trọng. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ giúp họ điều trị bệnh, giảm nhẹ các cơn đau, luôn giữ vững niềm tin và tin tưởng vào sự tiến bộ của y học mà còn để họ biết rằng họ không đơn độc trong hành trình chiến đấu với K”, bác sĩ Tuấn tâm sự.
Rất nhiều tài liệu, câu chuyện về nghị lực của các chiến binh K được bác sĩ Tuấn dịch, để cùng We Can in thành sách và chia sẻ với bệnh nhân. Họ cùng các tình nguyện viên của We Can “chăm sóc và giảm nhẹ” cho bệnh nhân bằng việc thu xếp những giờ tập yoga trị liệu, talkshow chia sẻ kiến thức về ung thư, trao gửi những “chiếc hộp hy vọng” mang thông điệp đồng hành cùng bệnh nhân... Chị Hoàng Ngân xúc động nói lời tri ân sau những màn trình diễn của các y bác sĩ: “Bằng năng lượng của sự đồng hành này, tin tưởng rằng đúng như chữ “We Can”, chúng ta có thể!”.

“Chúng ta tỏa sáng”

“Tôi đã từng cô lập mình và hạn chế tiếp xúc bất kỳ ai trong quá trình điều trị bệnh bởi những tác dụng phụ của phương pháp điều trị đích gây ra”. Dòng tâm sự này của một chiến binh K phổi đã thôi thúc cộng đồng We Can phải “làm một cái gì đó” cho chị em, để “sự ủ rũ chỉ là chuyện xưa cũ”.
Từ dự án “Chúng ta tỏa sáng”, cộng đồng We Can được học những bài học “make up” căn bản, giản dị bằng những loại mỹ phẩm thiên nhiên, thảo mộc để làm đẹp, tự tin cùng các thành viên gia đình xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Họ chia sẻ nhau các bước chăm sóc da an toàn, bổ sung dinh dưỡng, tư vấn những sản phẩm tóc đội đầu thật đẹp, an toàn để che đi mái đầu phải cạo trọc trong quá trình trị liệu...
Chị Tạ Nhật Phượng (Đà Nẵng), thành viên We Can, trở nên tự tin hơn sau khi được hướng dẫn khắc phục những “nhược điểm” do quá trình hóa trị, xạ trị suốt 13 năm liền gây ra. Với chị Phượng, việc mất bộ phận của cơ thể sau phẫu thuật, mất tóc sau hóa trị hoặc xạ trị, mất vị giác tạm thời, mất ngủ, mệt mỏi sau dùng thuốc, rối loạn cảm xúc, rối loạn nội tiết tố và suy nghĩ tiêu cực… là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của chính mình, chị khuyên những người đồng bệnh hãy luôn suy nghĩ tích cực về cuộc sống. “Hãy thư giãn và mỉm cười khi có thể, làm việc vừa sức để tạo niềm vui, duy trì giá trị sống của bản thân. Hãy giảm các cơn giận dữ, bởi giận dữ sẽ làm tăng những cơn đau, bào mòn và làm suy yếu cơ thể. Hãy dành năng lượng còn lại cho những điều quan trọng và có ý nghĩa nhất mang lại cảm xúc tích cực cho bản thân và những người xung quanh. Hãy giữ cho tâm hồn và tinh thần của mình luôn được khỏe, đó cũng là cách để những cái “mất “của mình không trở nên vô nghĩa”, chị chia sẻ.

Để người nằm xuống được yên lòng

Chúng tôi đã gặp cậu bé Nguyễn Phạm Duy Phú (13 tuổi, Đà Nẵng) tại chương trình “Chúng ta hát ca”. Mẹ em vừa qua đời vì ung thư vú, để lại một khoảng trời mất mát không gì bù đắp nổi và sự kiệt quệ của gia đình với chi phí điều trị nhiều năm liền.
Góp phần xoa dịu nỗi đau và cũng là để mẹ em yên tâm “an nghỉ”, We Can kết nối cộng đồng và mang đến suất học bổng trị giá 12 triệu đồng/năm để Phú tiếp tục giấc mơ đến trường của mình. “Mẹ con chắc chắn sẽ an lòng, nhỉ!”, Hoàng Ngân tâm sự với bé Phú. Chị cũng thổ lộ thêm, không riêng với Phú mà đó cũng là sứ mệnh chung của những chiến binh K, để những người đồng bệnh trước khi nằm xuống “được an lòng” với quỹ học bổng “Cùng em dệt ước mơ”. Chương trình sẽ gây quỹ hỗ trợ tài chính dài lâu cho con em của các chiến binh K trong độ tuổi 12 - 18, giúp các em định hướng tương lai và nuôi dưỡng tài năng.
“Là những người trong cuộc, chúng tôi muốn là một cộng đồng chiến binh K mạnh mẽ, tích cực. Chúng tôi gây quỹ để có thể trở thành bạn đồng hành trên một chặng đường dù ngắn với các em nhỏ như Phú để xoa dịu nỗi đau, tạo điểm tựa khi các em mất đi người thân yêu hay người thân mắc trọng bệnh...”, Hoàng Ngân trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.