Ở Cầu Kè (Trà Vinh) quê tôi, người ta chế biến củ cải trắng thành khá nhiều món. Đơn giản nhất là rửa sạch củ cải, dùng dao bào xắt từng lát mỏng, bóp muối, vắt ráo, cho vô keo chế giấm đường. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau là đã có món chấm nước tương dầm ớt, hoặc chấm nước thịt kho, nước cá kho. Cơm ngon nhờ món dưa này. Chịu khó hơn, người ta rửa sạch củ cải, xắt từng miếng hình tam giác dài khoảng hai đốt ngón tay, đem phơi nắng. Phơi một, hai nắng với một đêm phơi sương thì củ cải đã sẵn sàng. Nén củ cải trong hũ thật chặt, nước tương ngon hoặc nước mắm nhĩ chế ngập vào. Để bữa trước bữa sau đã có món mặn ăn không cần món nào khác “phụ họa” vẫn hao cơm.
|
Đi xa rất nhiều năm, về lại Cầu Kè, rảo một vòng chợ, điều đập vào mắt tôi là những sề bán củ cải trắng ngâm mắm gọi mời. Màu trắng của củ cải sau thời gian “ngậm” mắm đã trở thành màu sâm sẫm điểm xuyết lấm tấm những mụn mắm tỏa ra mùi đặc trưng hấp dẫn. Loại này mua về nhà là dùng ngay với cơm, mùi mắm mặn hòa mùi vị cay cay, nồng nồng của củ cải quyến luyến chân răng.
Nhưng có lẽ ngon hơn hết vẫn là gỏi củ cải trắng. Gỏi là sự pha trộn của khá nhiều thành phần nguyên phụ liệu trong một món ăn. Giản dị hơn hết là gỏi củ cải trắng trộn thịt ba rọi và tép bạc. Thịt và tép luộc chín, thịt xắt từng lát mỏng vừa ăn, tép bóc bỏ vỏ chừa đuôi. Củ cải trắng bào mỏng bóp chút muối, vắt ráo. Đã sẵn sàng một số nguyên liệu cần thiết khác như húng lủi, đậu phộng rang giã sơ, nước mắm, giấm, đường, tỏi, ớt..., trộn với củ cải bào, thịt ba rọi và tép luộc là đã có một món ăn cay nồng khứu giác. Món này đã ngon rồi, nhưng ngon hơn hết vẫn là gỏi củ cải cá lóc nướng trui.
Cá lóc nướng trui là đặc sản nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long. Con cá sau khi nướng trong lửa rơm, thịt thơm thoảng mùi rơm rạ mà không có loại bếp nướng hiện đại nào sánh bằng. Thịt cá trắng phau được rỉa (gỡ tách bỏ xương) trộn với củ cải trắng và các nguyên phụ liệu khác là một bữa ăn đậm đà chất dân dã, cũng là món nhậu “trứ danh” của đất Cầu Kè...
Phương Kiều
Bình luận (0)