Nông dân bán quả dừa 4.000 đồng, ra thị trường tới 30.000 đồng, chênh lệch ai hưởng?

01/11/2023 20:11 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội, nông dân bán 1 quả dừa tại vườn khoảng 4.000 đồng, ra đến thị trường tăng cao nhất đến 30.000 đồng, phần chênh lệch do tầng lớp trung gian hưởng - những người không trực tiếp làm ra sản phẩm.

Chiều 1.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Trần Thị Lam Thanh (đoàn Bến Tre) dành thời gian đề cập tới những khó khăn của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân bán quả dừa 4.000 đồng, ra thị trường tới 30.000 đồng, chênh lệch ai hưởng? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Lam Thanh (đoàn Bến Tre)

QUỐC HỘI

"Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa"

"Đây không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là vấn đề cũ", bà Thanh mở đầu, và cho biết, khi tham gia tiếp xúc cử tri luôn nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân về tình hình đời sống còn quá khó khăn.

Khó khăn đến từ chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp luôn ở mức cao ngất ngưởng, trong khi giá các sản phẩm của người dân làm ra luôn ở mức khiêm tốn. Chưa kể, nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường; ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh; rồi "điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Dẫn chứng cho phát biểu, bà Thanh nêu ví dụ về sản phẩm dừa xiêm Bến Tre, nông dân bán có giá khoảng 4.000 đồng/quả với sản phẩm loại 1, loại 2 và loại 3 dao động từ 1.000 - 2.500 đồng/quả. Tuy nhiên, khi ra tới thị trường, quả dừa ấy có mức giá tăng lên 15.000 - 30.000 đồng.

"Không chỉ quả dừa, con lợn, con gà, con tôm hay các sản phẩm khác cũng vậy", bà Thanh nói và nhận định phần chênh lệch giá rơi vào túi của tầng lớp trung gian, những người không trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng được chia sẻ lợi nhuận 50 - 70%, thậm chí 200%.

Nhắc đến kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nữ đại biểu phấn khởi khi nhiều xã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn từng bước được khởi sắc.

Tuy nhiên, 2 tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân là lao động và việc làm để cải thiện thu nhập thì hầu như xã nào cũng gặp khó. Nhiều xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới cũng phải ì ạch mới vượt qua 2 chỉ tiêu này. Thực tế đó cho thấy đời sống của đại bộ phận nông dân hiện nay còn khó khăn.

Nông dân bán quả dừa 4.000 đồng, ra thị trường tới 30.000 đồng, chênh lệch ai hưởng? - Ảnh 2.

Phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 1.11

QUỐC HỘI

Cần chính sách hỗ trợ nông dân

Vẫn theo bà Trần Thị Lam Thanh, từ nhiều năm qua, giá nông sản liên tục giảm, nhiều người chăn nuôi thua lỗ, thậm chí phá sản. Các chủng loại cây trồng, vật nuôi luôn thay đổi để lướt theo sóng thị trường.

"Đó có phải là sự mất công bằng và bất hợp lý trong cơ chế thị trường. Nguyên nhân có phải do Nhà nước chưa có chính sách phù hợp để chia sẻ gánh nặng cho nông dân hay đã có chính sách mà chưa thực sự phát huy trong thực tiễn?. Có phải nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nông nghiệp chưa được hưởng thành quả từ công nghiệp hóa tương xứng…?", vị đại biểu đoàn Bến Tre đặt hàng loạt câu hỏi.

Nhấn mạnh nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển công nghiệp hóa, bà Thanh nhìn nhận, thành quả còn chưa tương xứng với vai trò, bà con nông dân còn thua thiệt, việc cải thiện thu nhập và đời sống nông dân vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Để giúp nông dân nói riêng, qua đó phát triển ngành nông nghiệp nói chung, đại biểu Thanh cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa. Đầu tư ở đây không có nghĩa là rót tiền trực tiếp vào cho nông dân mà bằng những chính sách ưu đãi.

Ví dụ như vay vốn lãi suất thấp, chính sách về thuế, đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, có cơ chế thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, dự báo thông tin về thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Những quyết sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của nông dân và nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.