(TNO) Trong buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 8.6, nhiều đại biểu cho biết Quốc hội, Chính phủ cần có những biện pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn, tránh cứ mãi điệp khúc 'được mùa mất giá'.
Sau khi nêu lên những hạn chế của ngành nông nghiệp, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) kể một câu chuyện để nói lên nỗi khổ của người nông dân ở quê hương ông. Đó là mới đây một người nông dân trồng hành tím ở Sóc Trăng điện cho ông Tâm than thở: “Ông Khắc Tâm ơi, ông vừa là doanh nhân vừa là Đại biểu Quốc hội, ông phải góp tiếng nói gì để giúp người nông dân chúng tôi. Chứ mấy chục ký hành tím không đổi được tô phở thấy cay mắt lắm. Ông có cách gì không?”.
“Tôi trả lời là không giúp gì được bác nhưng sẽ chuyển câu hỏi của bác lên Quốc hội. Đã đến lúc Quốc hội có câu trả lời để trả nợ người nông dân”, ông Tâm nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết tình trạng nhập siêu đã quay trở lại khi năm tháng đầu năm nhập siêu đạt 3 tỉ USD; tình trạng bội chi ngân sách ở mức cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng khó khăn.
“Chính phủ cần có giải pháp cụ thể vực dậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng cần có gói hỗ trợ trung và dài hạn, ổn định từ 5 - 10 năm để giúp doanh nghiệp mua được máy móc hiện đại, tạo cạnh tranh trong thời hội nhập”, ông Ngân khẳng định.
Đồng thời đại biểu Ngân cho rằng Quốc hội cần phải có nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, trong đó chú ý nội dung ưu tiên đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, rà soát phù hợp với từng khu vực.
Không để chậm trễ gói hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân
Trước những thắc mắc về gói hỗ trợ ngư dân đóng tàu chậm được triển khai, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (đại biểu Nam Định) cho biết Chính phủ sẽ có những biện pháp để đẩy nhanh tiến độ. Theo ông Ninh, gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng là để phát triển thủy sản, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu đi biển. Ngày 7.7.2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 triển khai nghị quyết trên của Quốc hội. Ông Ninh cho biết đến ngày 21.5, sau khi rà soát thì đã có 648 tàu được đóng, trong đó tàu vỏ thép chiếm 50%, tàu công suất trên 800 CV chiếm trên 50%. Hiện nay số tiền giải ngân đã được 100 tỉ đồng, 10 tàu đã giải ngân trên 50%, 2 tàu đã giải ngân xong. “Trung bình một tàu tàu vỏ thép đóng mất thời gian đóng từ 7 tháng đến 1 năm. Như vậy tính từ thời gian triển khai nghị quyết đến nay mới 9 tháng cũng không phải là chậm. Hiện đang giải ngân 52 con tàu. Sắp tới đây những kiến nghị của Quốc hội và địa phương sẽ được Chính phủ nghiêm túc túc thực hiện”, ông Ninh nói. |
Bình luận (0)