Nông dân ‘chất vấn’ Bộ trưởng

01/01/2015 05:58 GMT+7

Có mặt tại cuộc hội thảo về vấn đề tái cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (31.12), nhiều nông dân đã đặt những câu hỏi thiết thực với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Có mặt tại cuộc hội thảo về vấn đề tái cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (31.12), nhiều nông dân đã đặt những câu hỏi thiết thực với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
 
Khai thác trên cánh đồng mẫu lớn Khai thác trên cánh đồng mẫu lớn - Ảnh: Công Hân
Ông Trần Văn Tường, nông dân tỉnh Nam Định, nêu vấn đề: “Hiện đất sản xuất của các hộ nông dân chúng tôi rất nhỏ, sản xuất manh mún nên thu nhập rất thấp, trong khi chính sách hỗ trợ nông nghiệp chỉ có 1 triệu đồng/ha quá thấp; đề nghị Bộ kiến nghị cho tăng lên”. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Hiện Chính phủ có chính sách hỗ trợ đất trồng lúa 2 vụ là 1 triệu đồng/ha và 50% chi trực tiếp cho nông dân. Mức chi đó là thấp nhưng thực sự ngân sách hiện nay khó khăn nên khó tăng”. Ông Phát cũng cho biết: “Chúng tôi cũng đang bàn các bộ, ngành liên quan khác để kiến nghị Chính phủ tăng thêm 1 triệu đồng nữa, nhưng như vậy ngân sách sẽ phải tăng chi 3.000 tỉ đồng, mà thời điểm này khó khăn nên không thực hiện được ngay”.
Đại diện những người trồng hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai, ông Dương Luận hỏi: “Hồ tiêu đang được xuất khẩu nhiều nhưng thiếu bền vững, rủi ro cao, một phần do quy hoạch không chuẩn, tình trạng phân bón giả nhiều, dịch bệnh lại đang lan tràn. Bộ làm thế nào để hỗ trợ chúng tôi về chống dịch bệnh cho cây hồ tiêu, có trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ giống cây?”. Bộ trưởng Phát thừa nhận “việc phát triển cây này đúng là đang đối diện nguy cơ dịch bệnh làm cây chết nhanh, chết sớm”. “Vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu, phát hiện tác nhân gây bệnh và sẽ phổ biến rộng rãi cho người dân. Nhưng cách thông tin, hướng dẫn hiện nay chưa tốt. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đến từng xã hướng dẫn cụ thể”, ông Phát khẳng định.
“Đề nghị hỗ trợ vài chục triệu mà cũng phải ra Hà Nội làm thủ tục ?”
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, đề nghị Bộ trưởng Phát làm rõ về cách thức, quy mô ứng dụng khoa học, công nghệ trong ngành ra sao mà chưa thấy có chuyển động lớn. Bộ trưởng Phát nói: “Chúng tôi đang xây dựng cơ chế để thực hiện theo luật Khoa học công nghệ. Trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới, vai trò của DN rất lớn nên phải bổ sung chính sách mới để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khuyến khích liên kết của tổ chức nhà nước với DN”. Ông Lịch tiếp tục “truy”: “Khuyến khích chuyển giao gì mà một DN họ có dự án, đề nghị hỗ trợ vài chục triệu mà cũng phải ra Hà Nội làm thủ tục?”. Tuy nhiên, ông Phát không trả lời trọng tâm câu hỏi này.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, đặt câu hỏi: “Hiện nay ngành nông nghiệp có 2 điểm nghẽn cả về đầu ra sản phẩm và thu nhập của nông dân. Bộ nói DN đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thị trường nhưng lại thông qua thương lái mà chưa liên kết trực tiếp với nông dân. Nếu đây là điểm nghẽn thì Bộ giải quyết thế nào?”. Bộ trưởng Phát: “DN là lực lượng dẫn dắt thị trường nhưng hiện nay, có sự cắt khúc hoạt động của nông dân và DN, nên kết nối nông dân và DN là một khâu quan trọng. Vấn đề là tạo môi trường cạnh tranh để không có DN độc quyền, chi phối thị trường ảnh hưởng lợi ích của nông dân”.
Chưa áp dụng quy định mạ băng cá tra
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Nghị định 36/CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, quy định các DN xuất khẩu cá tra phi lê phải đáp ứng tiêu chuẩn về độ ẩm không quá 83%, mạ băng (tỷ lệ lớp nước phủ trên bề mặt) không quá 10% thực sự cần thiết để đảm bảo và nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín bền vững và thương hiệu cho cá tra, một sản phẩm đặc sản của VN. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng quy định này khiến họ gặp khó khăn vì giá cá sẽ tăng và giảm khối lượng sản phẩm xuất khẩu nên cần có lộ trình cụ thể cho DN. Trong phiên họp Chính phủ ngày 30.12, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa áp dụng quy định này từ ngày 1.1.2015 và sẽ lùi lại 1 năm để Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.