Nông dân khốn đốn vì cây nha đam chết hàng loạt

14/11/2011 00:54 GMT+7

Mấy tháng gần đây, người nông dân tại tỉnh Ninh Thuận hết sức lo lắng trước việc cây nha đam đang chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Mấy tháng gần đây, người nông dân tại tỉnh Ninh Thuận hết sức lo lắng trước việc cây nha đam đang chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Thành Trí, ở phường Văn Hải (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: “Gần 3 tháng nay, tôi đã mất gần một sào cây nha đam 6 năm tuổi do bị thối rễ và thối lá. Mặc dù tôi đã dùng nhiều biện pháp như thuốc trừ sâu, nhổ bỏ cây bị bệnh nhưng cây vẫn tiếp tục chết”. Theo ông Trí, hiện tượng cây chết có hai loại: cây thối hết rễ, sau đó thối lá; cây thối lá, nhưng gốc vẫn tươi. Còn ông Võ Văn Tưởng, trú phường Mỹ Bình (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) ngao ngán: “Cây chết nhiều quá, nhà nào cũng thế, cứ đà này hơn 4 sào nha đam của tôi đến cuối năm chắc còn phân nửa”.

 
Người dân lo lắng khi cây nha đam chết hàng loạt - Ảnh: L.X

Tình trạng cây nha đam chết đang diễn ra trên diện rộng, tập trung tại các phường: Vĩnh Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Thành Hải (TP.Phan Rang - Tháp Chàm). “Hiện giá nha đam đang là 800 đồng/kg, một sào mỗi năm cho thu hoạch 12 tấn, như vậy chúng tôi mất cả chục triệu đồng mỗi năm”, ông Trí than thở. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Phan  Rang - Tháp Chàm, diện tích cây nha đam ở địa phương hiện nay hơn 20 ha.

Cây nha đam hay còn gọi là lô hội là một loại cây trồng cạn, có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Theo tài liệu dược học Việt Nam, cây nha đam có thể chữa được nhiều chứng bệnh như: sốt, khớp tim, trĩ, viêm khớp, viêm gan, rối loạn tuyến tụy...  Lá nha đam có thể chữa lành các loại bỏng.

Ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, phân tích: “Nguyên nhân chính của hiện tượng cây nha đam chết hàng loạt là do mưa nhiều. Nha đam là cây chịu hạn, vì thế khi bị úng bộ rễ và lá sẽ thối. Quá trình cây bị úng nước đã sinh ra vi khuẩn nấm làm chết cây. Hiện tượng lây lan cây chết là do vi khuẩn nấm này. Nếu khi nhổ bỏ không vệ sinh chỗ đất đó mà vẫn trồng cây con vào thì vi khuẩn nấm sẽ lây sang cây mới. Khi phát hiện cây bị úng, thối cần phải nhổ bỏ ngay và đem tiêu hủy; sau đó dùng vôi bột vệ sinh lại đất trước khi trồng cây mới".

Theo ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp - Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, vài năm trở lại đây do giá nha đam lên cao, người dân ồ ạt phá bỏ các cây trồng khác để lấy đất trồng nha đam mà không theo quy hoạch. Vì vậy,  khi xảy ra hiện tượng cây chết người dân lúng túng.

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.