Nông dân lâm nợ vì mía

Bắc Bình
Bắc Bình
07/06/2018 07:00 GMT+7

Hàng trăm hộ dân trồng mía tại 2 huyện Trà Cú, Tiểu Cần (Trà Vinh) bị thua lỗ nặng, nhiều hộ phải cầm cố hoặc bán đất để trả nợ.

[VIDEO] Chưa hết vụ mía, nông dân phải bán đất để trả nợ
Mía bỏ già trên ruộng
Vụ mía này, gia đình ông Sơn Đông (65 tuổi, ngụ xã Kim Sơn, H.Trà Cú) trồng hơn 5 ha; trong đó có 3 ha tại H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), còn lại trồng ở thửa ruộng gần nhà. Đám mía hơn 2 ha gần nhà đã trễ ngày thu hoạch nhưng kêu hoài không có thương lái nào đến mua. Ngay cả thương lái cho ông vay hơn 100 triệu đồng để đầu tư trồng mía nay cũng quay lưng. Biết mía càng để quá già sẽ càng giảm chữ đường… nên ông Đông xoay mọi cách có tiền thuê nhân công thu hoạch, thuê ghe chở đến nhà máy của Công ty CP mía đường Trà Vinh bán, mong lấy lại chút vốn.
Thế nhưng, có đốn được mía cũng không dễ “lấy lại chút vốn”. “Giá thu hoạch tăng từ 300 đồng/kg của năm trước lên hơn 400 đồng/kg, cộng với tiền ghe và các chi phí khác phải tốn đến khoảng 600 đồng/kg. Với mức giá này càng thu hoạch chúng tôi càng lỗ. Hiện vẫn còn gần 1 ha nhưng có thể tôi không thu hoạch nữa”, ông Đông chua xót nói.
Bà Ánh giữ hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân trồng mía

Cùng xóm với ông Đông, bà Thạch Thị Phon (64 tuổi) trồng 7,5 công mía không tự đốn được và cũng không có tiền thuê nhân công. Hết cách, nhưng tiền lãi của số nợ thương lái trên 200 triệu đồng thì vẫn phát sinh từng ngày. “Tôi đã kêu chủ nợ đi xã làm thủ tục để sang tên đất cấn trừ. Chỉ còn cách đó mới có chút đỉnh tiền dôi ra mà trang trải cuộc sống cho gia đình, chứ vợ chồng già bệnh tật liên miên, thêm thằng con bệnh bẩm sinh từ bé…”, bà Phon nói như khóc.
Bà Trần Thị Ánh (ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, H.Trà Cú), một thương lái đã cho hàng trăm hộ dân vay tiền trồng mía với tổng diện tích hơn 300 ha, cho biết chính bà cũng đang băn khoăn không biết xử lý số sổ đất đang giữ như thế nào. “Nhiều bà con kêu tôi mua lại giùm họ đất để cấn trừ nợ. Nhưng tiền đã cho vay và đầu tư ghe tàu sạch rồi, lấy đâu ra nữa mà trả phần dư cho chủ đất. Thú thật, tôi chỉ mới đồng ý nhận quyền sử dụng hơn 1 ha vì 2 chủ đất đó đã thiếu gần bằng giá trị đất của họ. Mà nói thật lòng, lấy đất họ mình cũng xót xa lắm chứ. Thêm nữa, lấy rồi cũng có biết làm gì với đất đó đâu”, bà Ánh nói.
Mời ngân hàng chung tay hỗ trợ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND H.Trà Cú, cho biết UBND huyện đã kiến nghị tỉnh tìm cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì cây mía đường là cây trồng chủ lực của huyện. “Theo đề nghị của chúng tôi, ngân hàng đã đồng ý cho công ty mía đường vay 30 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là lượng hàng sản xuất được để trả tiền mua mía cho nông dân. Trước mắt là vậy”, ông Phúc nói.
Còn về lâu dài, Chủ tịch UBND H.Trà Cú khẳng định sẽ hỗ trợ tích cực để phát triển kinh tế hợp tác, giảm bớt các khâu trung gian để nông dân bán trực tiếp cho nhà máy. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tốt hơn giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật về trồng mía đường để vừa tăng năng suất vừa giảm giá thành đầu tư.
Nhiều ghe mía cặp vào khu vực thu mua của nhà máy Công ty CP mía đường Trà Vinh chờ bán
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT Trà Vinh, toàn tỉnh chỉ còn lại hơn 525 ha mía chưa tiêu thụ được. Lũy kế từ đầu vụ thu hoạch đến nay Công ty CP mía đường Trà Vinh tiêu thụ được khoảng 460.000 tấn mía nguyên liệu, tương đương 4.600 ha. Dự kiến đến hết tháng 6.2018, diện tích mía còn lại sẽ được tiêu thụ hết.
Về nguyên nhân dẫn đến ngành mía đường tại Trà Vinh khó khăn, Sở NN-PTNT nêu do năm nay nhà máy thuộc Công ty CP mía đường Trà Vinh bắt đầu hoạt động chậm hơn các năm trước khoảng 2 tháng, lại chỉ chạy ở công suất 2.500 tấn/ngày (công suất thiết kế 3.200 tấn/ngày) nên lượng mía nguyên liệu bị tồn đọng, giá mua giảm sâu hơn giá thành sản xuất của nông dân. Song song đó, do nhiều nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL không hoạt động khiến lượng mía nguyên liệu từ nhiều tỉnh khác đổ về Trà Vinh khiến công ty mía đường “bội thực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.