|
Đó là chia sẻ của chị Lê Thị Than, một nông dân có kiến thức và kinh tế thuộc hạng khá trong xóm Trường Thọ, một trong hai xóm lớn trong thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, H.Điện Bàn, Quảng Nam) khi nghe thông tin Triêm Tây được đưa vào quy hoạch.
Triêm Tây là một thôn thuộc xã nghèo Điện Phương, H.Điện Bàn, nằm giữa sông quanh năm bị sạt lở uy hiếp. Thôn trưởng Triêm Tây, anh Nguyễn Văn Bòng có gia đình vừa làm nghề dệt chiếu, vừa trồng lúa và chăn nuôi kể: “Thôn chúng tôi là một ốc đảo giữa sông Thu Bồn, tuy chỉ cách Hội An chưa đầy 5 cây số đường chim bay nhưng lại cách trở đò ngang nên 90% trong số hơn trăm rưỡi hộ dân đều làm nông và vài nghề phụ lúc nông nhàn”.
Từ năm 2009, kiến trúc sư người Pháp gốc Việt Bùi Kiến Quốc, sau khi thành công với dự án làng nghề Cẩm Thanh ở cửa Đại (Hội An) đã tìm đến Triêm Tây và mê mẩn cảnh sông nước ở đây. Tại sao không xây dựng ở đây một dự án du lịch nông thôn kết hợp với sông nước? Ông bắt đầu đi thăm những gia đình nông dân, nói với họ khả năng chống sạt lở bằng phương pháp đơn giản nhất, nhưng vẫn giữ được cảnh làng quê là trồng tre thay vì kè bê tông. 5 gia đình gần khu bị sạt lở nặng đồng ý giao những ngôi nhà, khu vườn cho ông để hợp tác làm du lịch làng quê. Sau 5 năm, ông Quốc đã đầu tư vào Triêm Tây hơn 10 tỉ đồng để chống sạt lở, cải tạo những ngôi nhà cũ, xây dựng thêm các tiện nghi mới và làm vườn. Trong tổng vốn đầu tư đó, đã có hơn 1,5 tỉ đồng trả công cho 20 người thợ một, thợ nề, nhân viên tạp vụ người địa phương làm việc ở đây. Một dự án mang tên “Nhà vườn Triêm Tây dần hình thành. Đến đầu năm 2013, dự án đã có 3 ngôi nhà nông thôn, 3 biệt thự sinh thái ẩn trong những vườn cây đón khách lưu trú.” ông Quốc cho hay.
Khi tỉnh Quảng Nam có chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch và H.Điện Bàn triển khai dự án phát triển du lịch đến năm 2015, thì Triêm Tây lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý.
Nhưng muốn phát triển dự án Triêm Tây, thì phải xây dựng được một quy hoạch bảo tồn phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc cho biết: “Năm 1980, tôi từng được chính quyền khu Carqueiranne ở tỉnh Var bên Pháp giao qui hoạch và thiết kế một khu làng cho người có thu nhập thấp. Dự án này cũng được đưa ra lấy ý kiến của người dân nhiều lần trước khi được phê chuẩn và công bố công khai”.
Thôn trưởng Bồng cho biết, cả thôn có 4 xóm, thì hai xóm lớn gắn liền với dự án là Trường Thọ và Phú Hòa có hơn 40 chủ hộ tham gia thảo luận. Phó giám đốc sở Văn hóa - Du lịch Quảng Nam Hồ Tấn Cường đích thân đến thảo luận nghe nghe người dân góp ý. Ông Quốc làm công việc của một nhà khoa học: Ghi chép, thống kê, phân loại các ý kiến. Ông cho biết: “Người dân có nhiều ý kiến mà tôi chưa nghĩ hết: Họ đề nghị tôn tạo lại miếu thờ âm linh của làng, phục hồi và quảng bá lễ tế Kỳ Yên vào mỗi mùa Xuân. Người dân ở xóm Trường Thọ còn yêu cầu phải đưa vào các món ăn địa phương như khoai lang, bắp rang, nước hến; bắp lớ đường đen để phục vụ khách. Bà con xóm Phú Hòa chưa chịu thua: Bên xóm ấy có món đậu hủ, xoa xoa, mì Quảng thịt vịt. Đàn ông thì đề xuất cần tu bổ lại miếu làng và hai ngôi nhà cổ 300 năm tuổi, xây cổng làng, xây bến thuyền tiện nghi đón du khách…Thôn trưởng Bồng cho rằng về giao thông nên mở rộng con đường trục cho khang trang, nhưng giữ lại những hàng rào chè tàu, dâm bụt như cũ.”
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc còn là Viện sĩ Hàn lâm kiến trúc Paris. Giờ ông lại là đối tác của Triêm Tây đã nhận nhiệm vụ xây dựng hồ sơ qui hoạch và các bản vẽ dự theo ý kiến của người dân để trình lên huyện. Riêng tiểu dự án nhà vườn du lịch, người dân đã chọn ra 20 hộ tiêu biểu và 5 hộ thí điểm, sẽ được khảo sát, đầu tư riêng. Các hộ này sẽ được đầu tư cải tạo nhà ở theo các vật liệu địa phương, xây dựng nhà vệ sinh và vài phòng ở loại bungalow trong vườn để đón du khách đến homestay từ tháng 6.2013 khi chương trình festival du lịch Điện Bàn khai mạc.
Ông Cao Thanh Tấn, Phó chủ tịch UBND H.Điện Bàn khi kiểm tra hố sơ dự án và đi thực địa đã phát biểu: “Tuy giai đoạn 1 chỉ dừng lại ở 20 hộ ban đầu nhưng đây là dự án có tính khả thi cao vì đáp ứng được nguyện vọng và các yêu cầu của chính người dân. Triêm Tây sẽ là 1 trong 4 điểm du lịch làng nghề mẫu ở Điện Bàn trong mùa hè này của huyện chúng tôi”.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)