|
Theo thống kê sơ bộ của ngành NN-PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có khoảng 5 - 7% diện tích đất nông nghiệp đang xảy ra tình trạng “trồng - chặt - trồng”. Trong năm 2013, tỉnh có khoảng 1.000 ha cao su, 5.000 ha điều bị chặt bỏ để thay thế cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như hồ tiêu, quýt đường...
Đắng lòng với “vàng trắng”
Giá mủ cao su liên tục giảm đã tác động đến tâm lý của người nông dân. Mới đây, anh Trần Văn Công (xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp) phải “đắng lòng” chặt bỏ 2 ha cao su, mà hơn 2 năm trước nó là ước mơ làm giàu của gia đình. Anh Công rầu rĩ nói: “Thời hoàng kim của cây cao su đã hết (giai đoạn 2002 – 2010), nay giá mủ cao su liên tục xuống thấp và khó có thể phục hồi như xưa. Nếu tiếp tục giữ lại thì không biết bao giờ hoàn lại vốn nên đành chặt bỏ để trồng cây tiêu, có giá cả ổn định hơn cây cao su”.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm Ngọc (xã Tân Thành, TX.Đồng Xoài) chặt bỏ 1 ha cao su 5 năm tuổi với lý do: “Với giá cả như hiện nay, nếu thuê nhân công cạo mủ (4 - 6 triệu đồng/tháng) thì nhà vườn chỉ có huề đến lỗ. Do đó, gia đình đã chặt bỏ 1 ha trong tổng số 4 ha cao su để trồng thử quýt đường”.
Để tạm thời “níu giữ” 3 ha cao su hơn 2 năm tuổi vượt qua cơn bão giá, bà Hồ Thị Liễu (xã Đồng Nơ, H.Hớn Quản) đã cho người khác thuê đất trồng xen cây đu đủ, cà tím. Bà Liễu cho biết: “Nếu không cho người khác thuê đất trồng xen, mỗi năm tôi phải chi gần chục triệu đồng thuê máy cày, nhân công làm cỏ, mua phân bón... Với tình trạng giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, cho người ta thuê đất để trồng xen là biện pháp lấy ngắn nuôi dài hiệu quả”.
|
Cơ hội hạch toán giá trị vườn cây
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Tới nhận định việc nông dân chặt cây này thay thế cây khác là có tính toán riêng và nhìn chung là chuyển đổi hợp lý. Chỉ có một bộ phận nhỏ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, thấy cây nào có giá thì đổ xô trồng theo. “Được mùa mất giá và mất mùa được giá là quy luật cung - cầu, hộ nông dân hay nhóm hộ không thể tự điều chỉnh. Nguyên nhân là do giữa người sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự chia sẻ lợi ích với nhau, để rồi thua thiệt vẫn thuộc về người nông dân. Muốn kiểm soát tình trạng giá nông sản bấp bênh, cần phải hình thành chuỗi giá trị sản phẩm gắn với thị trường”, ông Tới nói.
Ông Tới cho biết thêm: “Chính trong cơn bão giá lại là thời điểm thích hợp để nông dân hạch toán giá trị vườn cây, xác định lợi nhuận phát triển lâu dài. Ngành nông nghiệp tỉnh đang có định hướng giúp các nông hộ liên kết sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn nhằm tập trung hỗ trợ, đầu tư chăm sóc, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập. Đặc biệt là tăng hiệu quả sử dụng trên cùng một diện tích đất canh tác, hạn chế thấp nhất tình trạng trồng – chặt – trồng”.
Cây tiêu lên ngôi Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết giá mủ cao su bình quân 6 tháng đầu năm 2014 là 42 triệu đồng/tấn, giảm 35% so cùng kỳ năm 2013 (65 triệu đồng/tấn). Giá thấp nên mủ cao su tồn kho tăng cao. Các công ty cao su trên địa bàn tỉnh có lượng mủ tồn kho 24.873 tấn (tăng 59% so cùng kỳ năm 2013). Riêng khoản hụt thu ngân sách do giá mủ giảm năm 2014 ước tính 280 tỉ đồng, địa phương đang phải sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp. Trong khi giá mủ cao su giảm sâu thì giá tiêu lại tăng vọt. Theo Sở Công thương Bình Phước, giá tiêu trên địa bàn giữ ở mức 184 - 185 triệu đồng/tấn. Đây là năm thứ 4 liên tiếp giá tiêu giữ ở mức cao. Một tin vui nữa đối với nông hộ trồng tiêu ở Bình Phước là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh, thủ phủ tiêu của tỉnh. “Nhãn hiệu tập thể này sẽ góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng; đồng thời mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường mới cho hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng và hồ tiêu Bình Phước nói chung”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Võ Đăng Khoa cho biết. |
Nhật Văn
Bình luận (0)