|
3 năm… vẫn vậy
Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn, H.Châu Thành) có 18 hộ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 8,5 ha. Các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về sản xuất nông nghiệp sạch như: quy trình canh tác; danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; những tiêu chí về nhà xí, nhà kho đựng phân bón, thuốc trừ sâu, việc tiêu hủy bao bì…
Thỉnh thoảng chúng tôi được bù thêm vài trăm ngàn nhưng cũng không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra. Nhiều khi tôi muốn bỏ hẳn VietGAP |
||
Ông Nguyễn Văn So |
||
Ông Nguyễn Văn So, một tổ viên, hiện có 3 công bưởi da xanh từ 7 - 10 năm, mỗi tháng thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Theo ông So, việc tuân thủ theo quy trình VietGAP khiến nông dân tốn rất nhiều công chăm sóc; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải dè dặt… Sản phẩm làm ra được đánh giá là an toàn cho người tiêu dùng, có thể truy rõ nguồn gốc nhưng giá không khác gì so với nhà vườn trồng bưởi thông thường. “Thỉnh thoảng chúng tôi được bù thêm vài trăm ngàn nhưng cũng không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra. Nhiều khi tôi muốn bỏ hẳn VietGAP”, ông So nói.
Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, cho biết chi phí để công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP gần 100 triệu đồng nhưng chỉ có giá trị 1 năm, còn tái chứng nhận mỗi năm cũng khoảng 50 triệu đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí công nhận, riêng chi phí tái chứng nhận thì nông dân và doanh nghiệp thu mua phải tự bỏ ra. Tuy nhiên, giá bưởi da xanh đạt VietGAP cũng chỉ tương đương với bưởi da xanh bình thường nên kêu gọi nông dân đóng góp rất khó. “Một số cơ sở thu mua hứa khi xuất được bưởi đi nước ngoài sẽ cộng thêm cho nông dân trồng bưởi theo VietGAP khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đã 3 năm qua kể từ khi Tổ hợp tác đạt chứng nhận vẫn chưa thấy động tĩnh gì và cũng chưa biết tới bao giờ”, ông Minh bức xúc.
Còn ông Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng tổ sản xuất chôm chôm VietGAP Tiên Phú (xã Tiên Long, H.Châu Thành), cũng cho biết nhiều tổ viên đã ngưng tuân thủ quy trình VietGAP gần 1 năm nay. Lý do là làm VietGAP không có lợi. Đầu tháng 7 rồi, giá chôm chôm tại Bến Tre xuống mức thấp nhất trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây. Chôm chôm java giá chỉ 3.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 4.000 đồng/kg.
Tiêu thụ lẫn lộn
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 11 mô hình liên kết sản xuất trái cây đạt chứng nhận GAP; trong đó có 7 tổ hợp tác đạt VietGAP, 4 tổ đạt GlobalGAP. Theo ông Nguyễn Văn Thượng, Phó chi cục trưởng Chi cục PTNT, Sở NN-PTNT Bến Tre, diện tích nhỏ lẻ, sản lượng thấp là nguyên nhân khiến giá trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ tương đương hoặc cao hơn nhưng không đáng kể so với trái cây sản xuất thông thường. “Sản lượng nhỏ không đủ để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu nên các đơn vị thu mua, kinh doanh trái cây phải tiêu thụ lẫn lộn trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP với các loại trái cây khác ở thị trường trong nước. Nếu doanh nghiệp thu mua trái cây VietGAP cao hơn chút ít thì chủ yếu là để khuyến khích nông dân, chứ thật ra họ phải bỏ tiền túi để bù cho khoản chênh lệch này”, ông Thượng nói.
Tuy nhiên, ông Thượng cũng khẳng định việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là phương hướng bắt buộc của ngành nông nghiệp tỉnh. Tiêu chuẩn này là “giấy thông hành” cho việc xuất khẩu trái cây. Tới đây, Bến Tre sẽ hướng đến gắn kết sản xuất với tiêu thụ trước khi tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, các tổ hợp tác sẽ thương thảo với doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi chuyển đổi quy trình sản xuất sang VietGAP để đảm bảo lợi ích cho nông dân. Song song đó, phát triển mạnh các mô hình liên kết, như 200 ha bưởi da xanh tại các xã Lương Quới, Lương Hòa và Bình Hòa (H.Giồng Trôm) và 300 ha chôm chôm tại các xã Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng (H.Chợ Lách) để đảm bảo đủ nguồn trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Khoa Chiến - Giao Hòa
Bình luận (0)