Nông dân nuôi bò sữa Mộc Châu làm dây chuyền xử lý chất thải tự động

06/11/2017 10:00 GMT+7

Nhiều nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu (Sơn La) đã chi gần 1 tỉ đồng xây dựng dây chuyền xử lý chất thải tự động để bảo vệ môi trường, giúp trang trại sạch sẽ,… thu trăm triệu đồng/năm nhờ bán phân bò ép khô.

Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh trang trại bò sữa trị giá gần chục tỉ đồng của gia đình, anh Dương Văn Nội (ngụ tại TT.Nông Trường Mộc Châu, Sơn La) dừng lại tại khu vực cạnh chuồng bò, rồi giới thiệu: “Đây là khu xử lý phân bò tự động. Dây chuyền này chỉ cần ấn nút một cái, sau chưa đầy 1 phút là phân bò tươi sẽ thành phân bò ép khô không mùi hôi, cực sạch sẽ và gọn gàng”.
Anh Nội vừa với ấn công tắc điện cho dây chuyền xử lý phân tự động chạy thử vừa giải thích: Hằng ngày, phân bò tươi từ chuồng bò được dọn rửa chảy hết về bể này. Khi hoạt động, máy sẽ hút phân từ bể, để tách nước khiến phân trở nên khô và tơi xốp, độ ẩm 15-20%, không mùi. Nước được tách ra một phần chảy vào hầm biogas, phần còn lại chảy qua các bể xử lý bằng men vi sinh và enzym theo phương pháp hiếm khí. Với công nghệ xử lý này, nước phân sau khi xử lý đã đảm bảo tiêu chuẩn đưa ra môi trường. “Chất thải qua xử lý tôi đem bón cho cỏ và ngô, số còn lại bán với giá 2.500 đồng/kg. Hiện tôi đã thu được 68 triệu đồng rồi. Tính ra mỗi năm cũng thu về khoảng 100 triệu đồng”, anh Nội nói.
Theo anh Nội, anh nuôi bò đã mấy chục năm nay, từ trang trại thô sơ sử dụng sức người là chính, đến nay đã có nhiều máy móc hiện đại như: máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy băm cỏ, máy cày bừa… Nhờ đó, từ một nông dân với hai bàn tay trắng, giờ đây mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng tỉ đồng nhờ tăng năng suất sữa, giảm được sức lao động. Thế nhưng, anh vẫn luôn trăn trở về việc làm sao để xử lý được phân bò thải ra hằng ngày, để chất thải không ảnh hưởng đến môi trường, trang trại không có mùi hôi. Suy đi tính lại, đầu năm 2017, anh Nội quyết định chi 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý phân tự động để giải quyết bài toán xử lý chất thải để trang trại phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng dây chuyền ép phân khô tự động ngoài những lợi ích như trên, còn giúp trang trại của gia đình anh Trần Văn Khương (TT.Nông Trường Mộc Châu) nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Trang trại bò sữa của anh Khương nằm trong khuôn viên của trang trại du lịch. Dây chuyền trên 800 triệu đồng nêu trên đã giúp khách tham quan không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi của trang trại.
Mộc Châu Milk đang từng bước xây dựng đề án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải toàn vùng chăn nuôi bò sữa
Mộc Châu Milk đang từng bước xây dựng đề án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải toàn vùng chăn nuôi bò sữa
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hải Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), cho biết nhiều hộ nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã đầu tư dây chuyền xử lý phân tự động để làm sạch trang trại. Mộc Châu Milk sẽ đầu tư một nhà máy chế biến phân hữu cơ từ nguồn phân bò và các trại chăn nuôi khác trên địa bàn. Theo đó, nguồn phân bò sau khi xử lý sẽ được bổ sung các vi lượng cần thiết nhằm phù hợp với từng loại cây trồng. Sản phẩm phân bón này đặc biệt phù hợp với các trang trại theo hướng hữu cơ. Đây là mô hình không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn là điểm chốt khép kín quy trình sản xuất và chăn nuôi tại Mộc Châu Milk. “Hiện, Mộc Châu là điểm đến du lịch rất nổi tiếng, trong khi nuôi bò là ngành kinh tế chủ lực của công ty. Vì vậy, việc xử lý chất thải từ các trang trại sẽ bảo vệ được môi trường, không gây ảnh hưởng đến ngành du lịch, lại giúp bà con tăng thêm thu nhập”, ông Nam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.