Nông dân ở miền Tây 'méo mặt' vì lúa chết và bị ngã

Trần Ngọc
Trần Ngọc
14/05/2019 18:02 GMT+7

Nhiều nông dân trồng lúa ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp khó khăn khi lúa bị ngộ độc phèn chết sau được gieo sạ hoặc bị đổ sau mưa dẫn đến giảm năng suất.

Ngày 14.5, theo ghi nhận của Thanh Niên, tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp) có rất nhiều thửa ruộng xảy ra tình trạng lúa chết sau khi gieo sạ.
Ông Nguyễn Văn Chum (ngụ TT.Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự) nói: “Gia đình tôi có 6.000 m2 đất trồng lúa. Tôi đã sạ lúa lại đến lần thứ 3 cũng đều bị chết. Lúa lên 2 lá là bắt đầu vàng úa rồi chết. Giờ hết vốn liếng nên bỏ đất trống. Rất mong được ngành chức năng nghiên cứu, hỗ trợ”.
Anh Phạm Văn Minh đang làm vài công ruộng gần đó cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lúa của anh Minh gieo sạ hơn 1 tuần thì có hiện tượng chuyển màu từ xanh mạ sang vàng úa. Dù anh đã tích cực bơm nước vào ruộng mong rửa trôi mầm bệnh cứu lúa nhưng vẫn không thể cứu vãn. Lúa của anh Minh bị thối thân và chết dần.
Do lúa non bị chết, nhiều nông dân ở H.Hồng Ngự phải sạ lúa 2 -3 lần TRẦN NGỌC
Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Hồng Ngự, toàn huyện này hiện có trên 47 ha lúa giai đoạn 1 tháng tuổi thuộc khu sản xuất của HTX Phước Tiền bị thiệt hại 100%, nhiều nông dân phải sạ lúa lại từ 1 - 2 lần. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa nhiễm bệnh không đến nổi chết nhưng sinh trưởng kém. Nguyên nhân dẫn đến lúa chết là thời tiết nắng nóng kéo dài, đất nhiễm phèn xì lên mặt ruộng, khi bơm nước vào lúa bị ngộ độc phèn.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Hồng Ngự, đưa ra cách xử lý cho nông dân là nên bón vôi từ 150 - 200 kg/ha lúa và cho nước lên ngập khoảng 2 phần thân lúa để ém mức độ xì phèn dưới đất lên mặt. Sau đó có thể dùng phân lân với liều lượng 200 - 250 kg/ha để giảm độ phèn tránh gây ngộ độc cho cây lúa, nhất là bộ rễ.
Đối với những diện tích lúa mới nhiễm bệnh, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên bón vôi, phân lân để khử chua, khử phèn, tăng cường hoạt động của vi sinh vật và quá trình khoáng hóa chất hòa tan hữu cơ trong đất, giúp cải thiện kết cấu đất cho lúa ra rễ mạnh, sau đó mới bón cân đối phân đạm, lân và kali cho đất.
Còn tại H.Tháp Mười, liên tiếp những cơn mưa diễn ra trong những ngày đầu tháng 5.2019 đến nay khiến nhiều diện tích lúa đang trổ chín dần bị ngã, giảm năng suất, tăng chi phí thu hoạch. Nhiều ruộng lúa bị ngã với tỷ lệ 40- 60% diện tích, trong đó có một số thửa ruộng lúa bị sập hoàn toàn. Theo bà con nông dân, lúa bị ngã trong giai đoạn này sẽ thất thoát khi thu hoạch từ 20 - 30%, cộng với giá công cắt lúa cũng tăng gấp đôi. Nhiều người dự đoán vụ này nông dân lỗ vốn.
Thống kê từ ngành chức năng H.Tháp Mười, tổng diện tích lúa hè thu 2019 bị ngã, bị thiệt hại của huyện ước hơn 1.000 ha trên tổng diện tích 28.000 ha lúa gieo sạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.