Lúa chín rục, thiếu người mua
Bà Bùi Thị Linh (ngụ ấp Tân Thới, xã Phong Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp), than: “Vụ đông xuân này, gia đình tôi làm được 6 công lúa. Hiện lúa đã chín rục rồi nhưng chưa thể cắt do tìm mãi mà chưa có thương lái tới mua. Nếu để kéo dài chắc chắn bị hao hụt nhiều vì lúa ngã đổ và chi phí thu hoạch cũng tăng theo, rầu quá”. Cũng theo lời bà Linh, mọi năm ăn tết xong là thương lái các nơi tới đặt cọc và hẹn ngày thu hoạch đến chở lúa. Nay chờ hoài chẳng thấy ai tới hỏi mua, mặc dù giá lúa đang giảm.
|
Ông Ba Bổn, canh tác 20 công lúa ở xã Phong Hòa, nói: “Giá thuê máy liên hợp thu hoạch lúa đã lên tới 400.000 đồng/công, tăng khoảng 50.000 đồng/công so cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhiều diện tích lúa bị đổ ngã do ảnh hưởng giông gió, sương mù… Giá thuê máy cắt còn cao hơn. Mặt khác, các khoản đầu tư như phân thuốc, nhân công… đều tăng; thế nhưng giá lúa lại giảm và khó tiêu thụ khiến nông dân như ngồi trên lửa”. Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết đến nay toàn tỉnh thu hoạch hơn 83.000 ha/ 208.000 ha lúa đông xuân; hiện các huyện Lai Vung, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh… đang vào giai đoạn thu hoạch cao điểm. Tuy nhiên, cái khó là giá lúa thấp và tiêu thụ chậm làm cho tiến độ thu hoạch lúa bị ảnh hưởng.
|
Tại TP.Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An… tình hình cũng tương tự. Lúa chín đầy đồng nhưng thương lái thu mua rất thưa thớt. Ông Huỳnh Văn Hùng (ở thị trấn Thới Lai, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết giá lúa tươi tại ruộng hiện dao động từ 4.200 - 4.300 đồng/kg (giống IR 50404); lúa tươi hạt dài giá 4.400 - 4.500 đồng/kg; lúa Jasmine giá 4.600 - 4.700 đồng/kg… Đa phần nông dân ĐBSCL có thói quen bán lúa tươi ngay tại ruộng, nhằm đỡ chi phí phơi sấy và vận chuyển. Do đó, những diện tích lúa dù đã chín, song chưa có thương lái hỏi mua nên nông dân không dám thu hoạch.
Cần sớm triển khai thu mua lúa
Diện tích lúa chín trên đồng tăng từng ngày, nông dân nóng lòng thu hoạch và bán lúa để giải quyết nợ nần, trả tiền mua vật tư, nhân công… thế nhưng thương lái mua lúa vẫn biệt tăm. Nhiều thương lái ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ cho biết sở dĩ vẫn còn neo ghe chưa dám đi mua là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa mạnh dạn ăn hàng. Thông thường thương lái mua lúa của nông dân về xay gạo là bán liền cho doanh nghiệp, chứ không thể neo lâu sẽ bị lỗ vốn. Như vậy, tiến độ thu mua lúa chậm là do doanh nghiệp chứ không phải thương lái; một khi các kho gạo đồng loạt mở cửa ăn hàng, lập tức thị trường tiêu thụ lúa ở ĐBSCL sẽ cải thiện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh này đã đề nghị với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhanh chóng vào cuộc đẩy mạnh việc thu mua nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa trong dân, tránh tình trạng ùn ứ khi vào thu hoạch rộ. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nói: “Vụ đông xuân là vụ lúa chủ lực của nông dân ĐBSCL. Vì vậy, nếu nông dân chỉ đạt mức lợi nhuận 30% là quá thấp, không thể bù cho 2 vụ còn lại là hè thu và thu đông; đồng thời không đủ chi phí để trang trải hàng loạt nhu cầu chi tiêu trong gia đình. Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân chẳng còn lời bao nhiêu, nên bà con sốt ruột là đúng”.
An Lạc
>> Lại chuyện giá lúa
>> Giá lúa gạo nhích lên nhờ mua tạm trữ
>> Thái Lan giảm xuất khẩu vì tăng giá lúa quá cao
Bình luận (0)