Học chưa xong cấp 2 nhưng nông dân Nguyễn Văn Dũng (54 tuổi, ngụ xã Bình Thủy, H.Châu Phú, An Giang) đã tự tin sáng chế, cải tiến nhiều thiết bị, máy móc nâng cao năng suất, hiệu quả cho nhà nông.
Thiết bị đánh rãnh thoát nước của ông Dũng được nhiều nông dân đặt hàng
Ông Dũng lắp đặt máy bắt rầy xanh giao cho khách
|
Ở An Giang, hiếm có nông dân nào được UBND tỉnh quan tâm, quay phim tuyên truyền các sản phẩm tiện ích cho nhà nông học hỏi như ông Dũng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, các loại máy móc, thiết bị do ông cải tiến đã giảm đáng kể chi phí sản xuất cho nhà nông. Còn các lão nông thì nói ông Dũng có “bàn tay vàng”, đụng tới đâu là thép, sắt vụn lên đời thành thiết bị, máy móc hữu ích cho dân.
Giải chỗ khó cho nông dân
|
Vì ông Dũng chế máy bám theo sát nhu cầu của nhà nông nên đơn đặt hàng cũng tới tấp. Tiêu thụ mạnh là máy đánh rãnh thoát nước. Do giá bán chỉ 25 triệu đồng, rẻ hơn so với máy nhập nhưng công năng không kém nên ông đã xuất xưởng trên 300 thiết bị, trong đó có 6 thiết bị bán qua Campuchia. Mới đây, máy sạ mè được một Việt kiều ở Lào mua đem về nước sử dụng.
Nông dân Tám Phú (ngụ xã Bình Thủy) nói thiết bị máy móc của ông Dũng được giới nông dân “kết” do hiệu quả cao, chẳng hạn máy sạ mè sạ rất đều, năng suất vượt trội so với sạ thủ công. Ông Huỳnh Minh Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Châu Phú, nhận xét cái hay của ông Dũng là nắm bắt được khó khăn trong sản xuất của nông dân nên chế tạo máy gì thì máy đó hợp “gu” nhà nông. Các máy móc, thiết bị như máy cắt đậu bắp, xe phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sạ phân, máy tưới di động… đều tiết kiệm chi phí sản xuất, nhân công, phân bón, hạ giá thành sản phẩm giúp nhà nông tăng thêm thu nhập.
Tự nghiên cứu, thiết kế
Ông Dũng bộc bạch, trước đây ông chỉ là nông dân chân chất vui thú cùng ruộng đồng. Đến năm 2005, lúc người dân xã Bình Thủy chuyển từ trồng lúa qua trồng màu ông cũng chuyển theo. Làm rẫy lợi nhuận cao nhưng công chăm sóc rất cực, lúc đó ít tiền mua sắm máy móc nên ông tự mày mò sáng chế các thiết bị cần thiết để bớt cực. Năm 2007, ông trồng mè đen, thấy đào rãnh thoát nước để cây mè không ngập úng bằng sức người tốn thời gian và nhiều nhân lực, ông mới nghĩ đến dùng thiết bị can thiệp thay cho lao động. Thế là ông tự vẽ thiết kế làm thiết bị đánh rãnh thoát nước có công suất 15 mã lực, chỉ cần 1 người điều khiển sẽ thực hiện được 2 ha/ngày, thay thế cho hàng chục lao động đào xới thủ công.
“Là nhà nông, tôi thấm thía những cái khổ như mất mùa được giá, vào vụ thuê nhân công lao động gặp khó khăn... nên sáng chế nào tôi cũng nghĩ đến phải đáp ứng an toàn và sức khỏe, máy rẻ nhưng chất lượng không thấp”, ông tâm sự.
Kỹ sư không bằng cấp
Từ đầu năm 2015 đến nay, ông Dũng tiếp tục trình làng 4 sản phẩm mới sau một thời gian nghiên cứu chế tạo, gồm máy bắt rầy xanh cho cây đậu bắp Nhật, máy tưới tự động cho cây màu 3 trong 1, máy cắt cây ngô và máng uống có điều chỉnh nước phục vụ chăn nuôi bò, lợn.
Máy bắt rầy xanh phá hoại cây đậu bắp vừa bắt rầy nhanh, sử dụng đơn giản, nhà nông khỏi phun thuốc diệt rầy ảnh hưởng chất lượng cây và sức khỏe. Máy cắt thân cây ngô gọn nhẹ cơ động, tiết kiệm được nhiên liệu, cắt 1 ha chỉ tốn 5 lít dầu. Còn với máng uống có điều chỉnh nước, ông Dũng tận dụng các nguyên liệu sẵn có chế máng nên giá thành rẻ. Nhờ hệ thống tự động nên chỉ cần 1 người điều khiển đưa nước vào tất cả các máng lắp đặt với mực nước vừa phải cho bò uống, hạn chế thấp nhất nước rơi vãi trên nền, tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công. Hiện nay, ông Dũng đã được trang trại bò sữa Phúc An ở tỉnh Sóc Trăng mời đến làm “kỹ sư” lắp đặt các máng nước cho trang trại.
|
Bình luận (0)