Chiều 30.7, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở kênh 25, ấp Đồng Hoa, xã Thủy Đông, H.Thạnh Hóa (Long An), vẫn phải cật lực vận chuyển hơn 5 tấn khoai mỡ ra đầu kênh cho kịp bán sáng mai.
0:00 |
Cuối tháng 10 (âm lịch năm ngoái), hộ anh Nhàn xuống 50.000 dây khoai giống trên diên tích ruộng 2 ha. Sau hơn 6 tháng cật lực ngoài đồng ruộng, thu hoạch khoảng 12 tấn khoai, giá bán trung bình 3.300 kg, tính tổng cộng chi phí phân bón, khoai giống… hộ anh Nhàn lỗ hơn 70 triệu đồng.
|
Kế bên, ruộng khoai gần 2 ha của bà Lê Thị Lan cũng lố ngày thu hoạch nhưng chờ mãi cũng không thấy thương lái. Không có nhân công để tranh thủ như hộ anh Nhàn, bà Lan đành thuê hàng chục nhân công thu hoạch, vận chuyển đi bán… nên hộ bà Lan lỗ thêm hơn chục triệu đồng cho vụ khoai năm nay.
Những ngày này, hầu như trong các căn chồi tạm, nhà dân nào dọc các tuyến đường, ven các bến ghe ở xã Thủy Đông đều có chứa hàng tấn khoai mỡ, chờ bán. Theo quan sát, nhiều vựa khoai đã lên mộng từ nhiều ngày qua!
|
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phan Vũ Cường, Chủ tịch UBND xã Thủy Đông, cho biết khoai mỡ đang dần trở thành cây trồng chủ lực của xã, hiện diện tích khoai mỡ trên địa bàn xã gần 2.500 ha (chiếm hơn 60% tổng diện khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa).
“Khoai mỡ phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, mỗi ha cho thu hoạch trên 10 tấn/vụ nhưng vì chi phí đầu tư vào loại cây trồng này khá lớn, khoảng 70 triệu đồng/ha nếu rủi ro “được mùa mất giá” thì thiệt hại của người nông dân là không nhỏ. Vì vậy, 2 năm trước, chúng tôi đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Kè và kêu gọi được một số thương lái, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Nhưng, do vài năm qua giá khoai mỡ khá cao nên người nông dân không chịu ký hợp đồng với doanh nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thêm nữa công tác tuyên truyền vận động để bà con hiểu hơn, tham gia tích cực hơn trong vai trò thành viên Hợp tác xã”, ông Cường cho biết.
Bình luận