Nông dân thu lời cao nhờ máy gặt đập liên hợp

08/07/2016 14:00 GMT+7

Ngày 7.7, UBND tỉnh Hậu Giang đã có báo cáo về đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015, với nhiều tín hiệu lạc quan dành cho bà con nông dân.

Công nghiệp hóa đồng ruộng
Ông Trần Thanh Lâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Hậu Giang là tỉnh thuần nông, thế mạnh của tỉnh là sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích tự nhiên 160.114 ha, trong đó đất nông nghiệp 140.457 ha, chiếm 87%. Dân số toàn tỉnh 779.325 người với khoảng 187.337 hộ trong đó 75,8% sống ở khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là lúa, mía, khóm, cây ăn trái, thủy sản… Nông dân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, bởi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa nhiều. Với tổng lượng gieo trồng lúa cả năm khoảng 215.000 ha nhưng từ năm 2011 trở về trước, diện tích lúa được thu hoạch thông qua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) chỉ chừng 26%; trong khi bình quân cả vùng ĐBSCL là 40%.

Với thời gian hoạt động 2 vụ/năm thì sau 3 năm vận hành, máy GĐLH sẽ thu hồi lại vốn và bắt đầu phát sinh lợi nhuận ròng trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài hoạt động dịch vụ trong tỉnh, máy GĐLH còn có thời gian thực hiện dịch vụ ngoài tỉnh do đó hiệu quả mang về càng cao hơn...

Ông Lữ Văn Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang


Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết để đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa, tỉnh Hậu Giang đã ban hành đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015, mà điểm nhấn chính là đầu tư cho máy GĐLH.
Theo ông Tuyên, máy GĐLH đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất lúa. Các máy này giúp nông dân thu hoạch lúa nhanh, tránh mưa lũ, đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Năm 2011, Hậu Giang chỉ có khoảng 130 máy GĐLH nên không thể đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúc lúa chín rộ. Đề án cơ giới hóa sản xuất lúa ra đời đã tạo đà tốt cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trang bị máy GĐLH. Đến nay, Hậu Giang đã có 322 máy GĐLH đảm bảo thu hoạch 80% diện tích lúa toàn tỉnh.
“Lợi nhuận tính trên 1 ha sản xuất lúa khi thu hoạch bằng máy GĐLH so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng. Nông dân tiết giảm được gần 20% chi phí sản xuất. Hiệu quả của máy GĐLH mang lại là rất thiết thực”, ông Tuyên nói.
Nông dân thu lời
Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng đưa ra hiệu quả kinh tế của việc dùng máy GĐLH trên 1 ha diện tích. Ông tính toán và nêu những con số đáng mừng. Cụ thể, nông dân tăng lợi nhuận so với thu hoạch thủ công khoảng 4.367.867 đồng/ha/vụ; trong đó giảm tiền công thu hoạch là 1.771.621 đồng, giảm lượng lúa thất thoát 1.196.246 đồng, tăng tiền giá bán lúa 1.400.000 đồng.
Về hiệu quả xã hội của việc dùng máy GĐLH, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định các máy GĐLH trong 1 năm đã giúp giảm 3% lượng lúa thất thoát (35.540 tấn, tương đương 177,7 tỉ đồng) so với thu hoạch bằng biện pháp thủ công. Máy GĐLH tiết kiệm được công lao động nặng nhọc, giải quyết tình trạng áp lực do thiếu nhân công cắt lúa khi vào vụ đông ken, rút ngắn thời gian thu hoạch và phơi sấy, chất lượng hạt lúa được nâng cao, lúa sạch đẹp bán được giá, nông dân chủ động lịch thời vụ, chuẩn bị làm đất và cách ly được dịch hại cho vụ sau, giảm chi phí, giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, tạo tiền đề cho thực hiện cánh đồng lớn, sản xuất lúa hàng hóa tập trung…
Nói về hiệu quả hoạt động dịch vụ, ông Lữ Văn Hùng cho hay 1 máy GĐLH thu hoạch bình quân 100 ha/vụ và mang về lợi nhuận khoảng 145 triệu đồng. Với thời gian hoạt động 2 vụ/năm thì sau 3 năm vận hành, máy GĐLH sẽ thu hồi lại vốn và bắt đầu phát sinh lợi nhuận ròng trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài hoạt động dịch vụ trong tỉnh, máy GĐLH còn có thời gian thực hiện dịch vụ ngoài tỉnh do đó hiệu quả mang về càng cao hơn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.