Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài phân tích của người giàu nhất thế giới Bill Gates nhân dịp khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Pháp.
Một đợt hạn hán kéo dài ở Indonesia - Ảnh: Reuters |
Vài năm trước, Melinda (vợ của Bill Gates - người dịch) và tôi đến thăm một số nông dân ở bang Bihar, vùng rốn lũ của Ấn Độ. Tất cả đều rất nghèo và phụ thuộc vào cây lúa để lo cái ăn cho gia đình. Vào mùa mưa hằng năm, họ đều đối mặt nguy cơ trắng tay vì lũ lụt nhưng vẫn phải cắn răng đánh cược rằng cánh đồng của họ sẽ thoát khỏi cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Đó là ván bài mà họ thua nhiều hơn thắng. Nếu vụ mùa bị phá hủy, những người này sẽ rời khỏi quê nhà lên thành phố tìm những công việc tạm bợ để nuôi gia đình. Sang năm, họ lại trở về, thường là càng nghèo hơn lúc ra đi, bước vào một ván bài mới.
Đối với nông dân ở các nước đang phát triển, cuộc sống là một màn đi trên dây mà không hề có lưới an toàn. Họ không tiếp cận được hạt giống tốt và phân bón, hệ thống tưới tiêu lạc hậu và thiếu những công nghệ hữu ích khác cũng như không hề được bảo hiểm mùa màng. Chỉ cần một vài lần năm xui tháng hạn cũng đủ để khiến họ rơi sâu xuống vực thẳm đói nghèo.
Giờ đây, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng. Trong vài thập niên nữa, tình trạng trái đất nóng lên sẽ phá hủy nghiêm trọng nền nông nghiệp các nước, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Cây trồng sẽ không phát triển do mưa quá ít hoặc quá nhiều. Sâu bệnh sẽ càng sinh sôi nảy nở trong điều kiện khí hậu ấm hơn.
Bill Gates, người giàu nhất thế giới, đồng Chủ tịch Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates - Ảnh: Reuters
|
Ứng phó
Theo tôi, nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể tránh được những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và cung cấp đủ lương thực cho thế giới. Chính phủ các nước cần khẩn cấp đầu tư vào năng lượng sạch để giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và tạm ngăn nhiệt độ tăng lên. Nhu cầu bức bách không kém là đầu tư vào các nỗ lực giúp đỡ những người nghèo nhất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đầu tiên là giúp nông dân, đặc biệt ở các nước đang phát triển, tiếp cận những công cụ cơ bản nhất như nguồn vốn, hạt giống, phân bón, huấn luyện kỹ năng tốt hơn cùng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Tiếp theo là những công cụ mới phù hợp với thực trạng mới. Từ lâu, Quỹ Bill & Melinda Gates và các đối tác đã làm việc để phổ biến nhiều loại hạt giống mới có thể trồng khi hạn hán hoặc lũ lụt. Những nông dân mà tôi đã gặp ở Bihar khi xưa giờ đang sử dụng một giống lúa mang tên lúa scuba có thể sống dưới nước trong 2 tuần. Nhiều giống lúa khác đang được phát triển có khả năng chịu đựng hạn hán, hơi nóng, lạnh và đất nhiễm mặn nặng.
Tất cả những nỗ lực này có sức mạnh thay đổi đời sống của hàng chục triệu người. Khi tiếp cận được những công cụ như của các đồng nghiệp tại các nước giàu, nông dân nghèo có thể tăng mùa vụ và thu nhập lên gấp 2 hoặc 3 lần. Họ có thể cải thiện chế độ ăn uống, đầu tư hơn cho mùa màng, đưa con đến trường và giảm thiểu nguy cơ. Như vậy thì dù có gặp phải một vụ mùa thất bát thì họ cũng cảm thấy yên lòng hơn.
Biến đổi khí hậu sẽ mang đến những hậu quả không thể lường trước. Điều chúng ta có thể làm là sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Thế giới phải tăng tốc nghiên cứu về hạt giống và các công nghệ hỗ trợ cho nông dân các nước nghèo và đang phát triển. Cần kíp không kém là phải có những chương trình, tổ chức để giúp nông dân tiếp cận với những công cụ hỗ trợ mới.
Đời sống của nông dân nghèo đang quá bấp bênh và chỉ cần một rủi ro nhỏ là có thể dồn họ vào đường cùng. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng loài người nói chung và nông dân nói riêng có đủ khả năng để đương đầu với những thách thức sát sườn và cả trong tương lai. Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự COP 21
Tối 29.11 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp để tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris có Đại sứ VN tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán VN tại Pháp, đại diện Ban tổ chức Hội nghị COP 21.
Phiên họp cấp cao dành cho các nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21 (ngày 30.11). Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì phiên khai mạc hội nghị. Tham gia phát biểu tại phiên khai mạc còn có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch COP 20 - Peru và Chủ tịch COP 21 - Pháp.
Ngay khi đến thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil.
TTXVN
|
Bình luận (0)