Phải bỏ công chăm sóc, đầu tư vật chất tiền bạc tốn kém trong khi giá thành bán ra chỉ bằng giá rau thường nhưng nhiều nông dân tại Tây Ninh vẫn quyết tâm trồng rau sạch.
|
Gần 2 năm nay, tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP và tổ sản xuất rau an toàn tại P.Ninh Thạnh (TP.Tây Ninh) ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia. Đến nay, tổ sản xuất đã có trên 30 thành viên là những nông dân có cùng quyết tâm trồng rau sạch. Trên diện tích hơn 9 ha, những hộ nông dân đang dốc sức sản xuất hàng trăm tấn rau sạch mỗi tháng cung ứng cho thị trường trong nước (các loại rau sạch như dưa leo, bí đau, bí đỏ, mướp, đậu rồng, cải quăn…).
Để tạo ra sản phẩm rau sạch, mỗi thành viên đều xây dựng đầy đủ hệ thống các tiêu chí trồng rau an toàn gồm: nhà chứa dụng cụ, nhà chứa thuốc bảo vệ thực vật và nhà chứa phân bón riêng biệt tại nhà.
Có kinh nghiệm trồng rau hơn 10 năm, anh Đinh Vĩnh Bình - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP cho biết, ngoài tiền vốn đầu tư cho 3 nhà kho với số tiền trên 20 triệu đồng, mỗi nông dân trồng rau sạch chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Loại thuốc này không ảnh hưởng đến môi trường và cả cho người nông dân khi phun xịt. Đảm bảo đúng thời gian cách ly trên 24 tiếng mới đưa rau ra thị trường. Mỗi ngày, người trồng rau đều ghi lại tỉ mỉ nhật ký đồng ruộng để đảm bảo theo dõi rau đảm bảo đúng quy trình sạch.
“Tự bơi” để tìm đầu ra
Theo nhiều hộ dân trồng rau tại P.Ninh Thạnh, mỗi ngày, rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bán vào siêu thị Co.op Mart tại Tây Ninh mỗi loại chỉ…5 kg/ngày, số còn lại nông dân phải tìm địa chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Mạnh, cựu Chủ tịch Hội nông dân P.Ninh Thạnh, người đeo đuổi quyết tâm trồng rau sạch cho hay cái khó của người nông dân hiện nay là phải “tự bơi” để tìm đầu ra, thậm chí chấp nhận bán đồng giá với người trồng rau thường để tiêu thụ sản phẩm. “Chính bản thân tôi đã bỏ công nhiều ngày lặn lội đến các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh, đi đến các chợ đầu mối, chợ bán lẻ nhưng không một đơn vị nào cam kết bao tiêu đầu ra ổn định, lâu dài cho rau sạch”, ông Mạnh trăn trở.
Chung suy nghĩ của nhiều hộ nông dân, anh Đinh Vĩnh Bình vừa vui nhưng cũng vừa lo lắng nói thêm: “UBND tỉnh mới đây có đến khảo sát cánh đồng rau của bà con hứa hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho nông dân nên các hộ ở đây mới an tâm sản xuất. Hy vọng sắp tới, đầu ra ổn định hơn thì càng nhiều nông dân tham gia hơn nhưng thấy vẫn hồi hộp”.
Trao đổi thêm với PV, ông Trần Ngọc Đâu, Phó chủ tịch Hội nông dân P.Ninh Thạnh cũng thừa nhận kể từ khi thành lập các tổ sản xuất trồng rau VietGAP, rau an toàn tại P.Ninh Thạnh đến nay các hộ nông dân phải tự tìm hướng ra. “Vấn đề đầu ra cho rau sạch đang là “bài toán khó” đối với các ngành chức năng trong tỉnh chứ không riêng gì ở Ninh Thạnh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các doanh nghiệp để tìm hướng đi bền vững cho rau sạch, không để nông dân tự bơi lâu thêm nữa”.
Bình luận (0)