Mỗi năm VN tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân bón các loại nên việc
xuất hiện phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại lớn cho
nông dân và nền kinh tế mà còn ẩn chứa hiểm họa môi trường lâu dài.
Lực lượng chức năng tỉnh Long An tiêu hủy phân bón giả - Ảnh H.N |
Hàng ngàn loại phân bón
Phân bón là vật tư quan trọng, chiếm 50 - 70% chi phí sản xuất và quyết định đến 40% năng suất cây trồng. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện các cơ quan chức năng của Bộ đang quản lý gần 5.300 loại phân bón đã có trong danh mục chính thức (phân hữu cơ). Còn Bộ Công thương đã cấp giấy hợp chuẩn, hợp quy cho gần 1.000 loại (phân bón vô cơ). Ngoài ra, tại thị trường vẫn đang lưu hành những loại phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục ước tính cũng gần 1.000 thương hiệu. Điều này cho thấy, thị trường phân bón tại VN đang tồn tại khoảng 7.000 loại phân bón bao gồm: phân hóa học, phân hữu cơ, phân hữu cơ - khoáng; phân vi lượng, phân bón dưới rễ, phân bón lá…
Thực tế thời gian qua cho thấy tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã gây ra những thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là tại khu vực ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, việc hướng nông dân lựa chọn được các sản phẩm phân bón chất lượng trong “ma trận” với khoảng 7.000 sản phẩm phân bón đang lưu hành trên thị trường hiện nay là một việc làm hết sức khó khăn. Trong khi đó, vì mục đích lợi nhuận, các đại lý phân bón cũng không thiết tha phân phối hay hợp tác bán những sản phẩm phân của các công ty sản xuất có uy tín, chất lượng với công nghệ sản xuất hiện đại vì chi phí hoa hồng không cao. Vì vậy, kênh phân phối trực tiếp đến tay nông dân với những nhãn hiệu có chất lượng là điều cũng cần phải tính đến.
Sản xuất theo công nghệ “cuốc, xẻng”
Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân giả, phân kém chất lượng theo công nghệ cuốc xẻng, máy trộn hồ chen chân nhau ra đời với hàng loạt các sản phẩm được khuyến mãi “khủng” cùng phí hoa hồng phân phối hậu hĩnh, đồng thời gây ra sự ngộ nhận về công thức phân bón cho nông dân qua cách ghi trên bao bì, vừa rút ruột làm giảm chất lượng phân và cuối cùng cũng sẵn sàng làm giả từ bột gạch + muối = phân kali... Bên cạnh đó, các DN này thường kèm theo chính sách hoa hồng cùng với những cam kết chất lượng hẳn hoi để đại lý yên tâm phân phối. Khi các sản phẩm được nông dân sử dụng gây thiệt hại về năng suất hoặc chết cây thì đa phần được giải quyết nội bộ giữa 3 bên: DN sản xuất - đại lý phân bón - nông dân chứ không được khiếu nại tới các cơ quan quản lý nhà nước về phân bón.
Ngoài ra, hiện nay các đại lý bán vật tư nông nghiệp thường áp dụng chính sách bán thiếu, bán “gối đầu” theo mùa vụ cho nông dân, nghĩa là sẵn sàng cho nợ đến khi thu hoạch mới trả tiền vật tư. Do vậy, người nông dân không có sự lựa chọn nào khác mà chỉ trông chờ vào “lương tâm” của các đại lý, không “có quyền” đòi hỏi phải được cung cấp các mặt hàng phân bón có chất lượng. Từ đó, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng do lực lượng QLTT phát hiện trong thời gian qua tại An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… chiếm 84,1% vụ vi phạm phân bón kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.
Theo thống kê của Cục QLTT (Bộ Công thương), trong 5 tháng đầu năm
2015, đã có 843 vụ vi phạm về phân bón giả, nhập lậu, kém chất lượng bị
phát hiện, nhiều hơn 4 lần cả năm 2014. Đồng thời theo Hiệp hội Phân bón
Việt Nam, hậu quả của việc sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng
gây thiệt hại cho nền nông nghiệp VN khoảng 2 tỉ USD/năm.
|
Bình luận (0)