Kết luận nội dung cuộc họp, ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề nghị Ban Giao thông cùng đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi và các cơ quan có liên quan nhanh chóng rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến tuyến cao tốc đoạn qua địa bàn huyện Củ Chi. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi do điều chỉnh hướng tuyến cao tốc tránh khu vực kho đạn K75/Cục Kỹ thuật/Quân khu 7.
Về quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh, Sở GTVT TP đề nghị Ban Giao thông cùng đơn vị tư vấn phân tích, đánh giá, giải trình rõ để đề xuất số làn, quy mô đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài phù hợp với nhu cầu vận tải trong tương lai trước và sau năm 2045, trên cơ sở số liệu khảo sát, dự báo nhu cầu phát triển giao thông, tình hình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông khu vực...
Trong đó, xây dụng các phương án về nhu cầu vận tải trước và sau năm 2045 có xét đến tình hình triển khai thực hiện đầu tư các dự án Vành đai 3, Vành đai 4, mở rộng quốc lộ 22 và tuyến đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng...
Song song, Ban Giao thông cùng đơn vị tư vấn xây dựng các phương án đầu tư giai đoạn 1 (về các phương án bố trí mặt cắt ngang, chiều rộng làn xe...) đảm bảo hiệu quả đầu tư; phương án tài chính của dự án PPP có tính khả thi, đồng thời thuận lợi với quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh.
Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến có điểm đầu bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc H.Củ Chi, TP.HCM, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7 km; đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến năm 2022 - 2027.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT), nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn từ ngân sách của TP.HCM và Tây Ninh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 6.355 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa bàn TP.HCM 5.901 tỉ đồng, tỉnh Tây Ninh 1.532 tỉ đồng; chi phí khác 2.941 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc nối TP.HCM - Tây Ninh khi được đầu tư, đưa vào hoạt động không chỉ xóa thế độc đạo của quốc lộ 22 mà còn góp phần đột phá phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là trong bối cảnh Tây Ninh đang nổi lên như 1 điểm đến "hot" nhất năm 2023.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, tính từ 20.1 - 31.1 (tức 29 đến mùng 10 Tết Quý Mão 2023), Khu du lịch núi Bà Đen đón 973.031 lượt khách, tương đương với số khách toàn tỉnh Tây Ninh đón được (988.701 du khách). Tổng doanh thu từ du lịch đạt 465,4 tỉ đồng, tăng 129,6% so với năm 2022.
Tiếp đó ngày rằm tháng giêng (5.2), Khu du lịch núi Bà Đen đón 120.000 du khách lên đỉnh núi bằng cáp treo, nâng tổng số khách đến tham quan, viếng chùa trong 15 ngày đầu năm mới lên hơn 1,5 triệu lượt.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là dự án trọng điểm quốc gia
Bình luận (0)